Bộ Công an chỉ ra hàng loạt tồn tại trong công tác PCCC

(PLO)- Nhiều địa phương chưa công khai các công trình, dự án vi phạm PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân giám sát.

Theo Bộ Công an, công tác PCCC còn một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 630 và Quyết định 1492 của Thủ tướng về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Vụ cháy quán karaoke ở Đồng Nai vào tối 11-9 may mắn không có thiệt hại về người.
Ảnh: VŨ HỘI

Công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của MTTQ ở địa phương còn những hạn chế nhất định, ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về công tác PCCC.

Nhiều địa phương chưa công khai các công trình, dự án vi phạm PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân giám sát.

Cùng với đó, công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập. Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức.

Công tác đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. Việc đầu tư ngân sách hoạt động PCCC mới chủ yếu ở các tỉnh, TP lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, Bộ Công an đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC phải xác định quan điểm lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống; lấy phòng là “cơ bản, chiến lược, lâu dài”; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận PCCC.

Đối với công tác chữa cháy phải xác định “thời điểm vàng” để chữa cháy, không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.

Các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 630 và Quyết định 1492 của Thủ tướng Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới