Vài tiếng sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc xác nhận ông Mạnh Hoàng Vĩ - Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) bị điều tra thì sáng nay, 8-10, Bộ Công an nước này lên tiếng rằng ông Mạnh bị nghi ngờ phạm nhiều tội, bao gồm nhận hối lộ.
South China Morning Post dẫn thông báo từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết việc ông Mạnh bị nghi ngờ tham nhũng cùng một số vi phạm pháp luật khác đã “hủy hoại nghiêm trọng” đảng Cộng sản và ngành công an.
Trong thông báo, các lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh sẽ tuân thủ nghiêm kỷ luật đảng, tuân theo và thực hiện các quyết định và kế hoạch của đảng một cách kiên định.
“Không có chỗ cho thương lượng hay mặc cả trong đảng” - South China Morning Post dẫn thông báo Bộ Công an Trung Quốc.
Ông Mạnh Hoàng Vĩ bị điều tra nghi ngờ nhận hối lộ. Ảnh: AP
Thông báo cũng cho biết ông Mạnh “cứ khăng khăng khẳng định một mình mình làm tất cả mọi việc, đồng nghĩa chỉ một mình bản thân ông bị điều tra”. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cho biết sẽ có một lực lượng hành động được thành lập theo đuổi điều tra tất cả những người bị nghi ngờ cùng nhận hối lộ với ông Mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Công an đã triệu tập một cuộc họp Đảng ủy Bộ Công an vào nửa đêm 7-10. Đảng ủy Bộ Công an đã thể hiện sự đồng lòng ủng hộ với cuộc điều tra ông Mạnh (nguyên là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc), cam kết sẽ tuyệt đối trung thành chính trị với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo đảng. Ông Mạnh đã bị khai trừ khỏi Đảng ủy Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí họp khẩn Đảng ủy Bộ Công an tối qua. Ảnh: SCMP
South China Morning Post dẫn nhận định nhiều nhà phân tích cho rằng chuyện ông Mạnh bị bắt giữ và điều tra sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tìm kiếm vai trò dẫn đầu ở các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã biết điều này trước khi quyết định hành động.
“Tôi chắc chắn họ đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận phản ứng từ cộng đồng quốc tế trước khi ra quyết định. Tôi đoán phải có gì đó khẩn cấp xảy ra. Đó là lý do tại sao nhà chức trách chọn hành động ngay lập tức, bất chấp rủi ro mất thể diện trên trường quốc tế. Nếu vi phạm của ông Mạnh chỉ là trường hợp tham nhũng thông thường thì nhà chức trách đã không cần phải hành động như thế” - nhà bình luận chính trị Zhang Lifan (Trung Quốc) nói với South China Morning Post.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc ở London (Anh), cũng cho rằng xét đến vị trí cấp cao của ông Mạnh, bất kỳ quyết định bắt giữ nào phải đến từ cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc. “Sự kiện này sẽ là một sự xấu hổ sâu sắc với Trung Quốc và nước này sẽ phải trả giá vì bắt giữ chủ tịch Interpol bởi một tội chưa xác định nhưng những điều này không phải quan trọng hàng đầu với lãnh đạo đảng một khi họ có lý do đưa ông Mạnh xuống… Khả năng vấn đề của ông Mạnh được đánh giá là nghiêm trọng” - theo ông Tsang.
Bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh Hoàng Vĩ (ngồi quay lưng), trao đổi với báo chí về chuyện chồng mình mất tích sau khi từ Pháp trở về Trung Quốc, trong cuộc họp báo ở Lyon (Pháp) ngày 7-10. Ảnh: GETTY IMAGES
Tin ông Mạnh mất tích được vợ ông - bà Grace Mạnh trình báo cảnh sát Pháp ngày 5-10 vì không có thông tin về chồng mình từ ngày 25-9, sau khi ông từ Pháp trở về Trung Quốc. Ngay khi thông tin ông Mạnh mất tích xuất hiện, một nguồn tin đã nói với South China Morning Post rằng ngay sau khi máy bay chở ông đáp xuống Trung Quốc, ông Mạnh đã bị nhà chức trách nước này bắt đi thẩm vấn vì nghi ngờ giúp đỡ một công ty có được một thỏa thuận an ninh mạng.
Họp báo tại Pháp ngày 7-10, vợ ông Mạnh cho biết có nhận được tin nhắn biểu tượng con dao từ điện thoại của chồng mình trước thời điểm không thể liên lạc biết thông tin về ông Mạnh. Vợ con ông Mạnh đang được cảnh sát Pháp bảo vệ do bà Mạnh nhận được nhiều đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội.
Interpol ngày 7-10 cho biết đã nhận được thư từ chức của ông Mạnh. Hiện Interpol đã có quyền chủ tịch là ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc.