Bộ Công an: Xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT, cho biết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, Bộ Công an bổ sung quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm khi được thông báo về TNGT phải tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ tai nạn, đồng thời giải quyết bồi thường thiệt hại do TNGT gây ra đúng quy định.
Đặc biệt, Đại tá Nhật nhấn mạnh tai nạn xảy ra sẽ gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dù quy định nhưng còn chưa đầy đủ, tản mát ở nhiều điều luật, chủ yếu hướng dẫn tại các thông tư của các bộ… Để khắc phục điểm trên, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định rõ nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ TNGT phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân, hậu quả để làm căn cứ bồi thường. “Sẽ không có chuyện xe to đương nhiên đền xe nhỏ nữa. Ví dụ xảy ra tai nạn giữa ô tô và người đi bộ, không thể mặc định tài xế ô tô là người phải bồi thường mà phải chờ kết luận chính thức của cơ quan công an, lúc đó xác định lỗi thuộc về ai thì người đó bồi thường” - vị này giải thích.
Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo luật do Bộ Công an soạn thảo quy định khi giải quyết TNGT phải làm rõ nguyên nhân do con người, do cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ gây ra. Đây sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn (UBND các cấp, công an, quân đội, đơn vị bảo trì khai thác đường bộ, cơ quan, đăng kiểm…).
“Việc này nhằm tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả của vụ TNGT, từ đó giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn” - Đại tá Nhật cho hay.
Cũng trong dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT, được thu thập và lưu giữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Cục CSGT. Đặc biệt, việc đánh giá chỉ số về TNGT sẽ tính theo số vụ, số người chết, số người bị thương trên 100.000 dân và trên 10.000 phương tiện giao thông, thay vì tính cơ học như hiện nay. Thời hạn tính số người chết do TNGT là 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn.
Giải thích, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, nói đề xuất này đã được Tổng cục Thống kê ủng hộ, hướng tới đúng chuẩn quốc tế. Giữa các tỉnh, TP khác nhau sẽ có hệ số về ATGT khác nhau.
Ví dụ, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng dân và xe rất lớn, số vụ TNGT cũng nhiều theo. Nếu chỉ tính cơ học thì sẽ thấy tình hình ATGT tại hai TP này là rất áp lực. Tuy nhiên, nếu tính trên 100.000 dân thì sẽ khác, hệ số an toàn có thể không cao hơn so với địa phương khác.
Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định cách tính mới này phản ánh đúng mức độ phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, con số thống kê đi vào thực chất hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm