Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và 95 liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, về nội dung giá xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời.
Phương án hai là sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Các doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Bộ Công Thương cho biết đã hai lần xin ý kiến phương án về công thức giá. Kết quả có 6 Bộ lựa chọn phương án 1. Bộ Công Thương cũng đề xuất lựa chọn phương án 1.
Lý do là phương án 2 có thể góp phần ổn định nguồn cung nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc kiểm soát giá xăng dầu. Trong giai đoạn hiện nay, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, kiểm soát được cả nguồn cung và giá bán trong nước.
Về phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu hiện nay là 6 tháng sẽ rút ngắn xuống 3 tháng. Trường hợp có biến động bất thường, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các loại chi phí.
Về thời gian công bố giá xăng dầu, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đưa ra phương án rút ngắn thời gian điều hành giá từ 10 về 7 ngày, công bố cố định vào thứ Năm hàng tuần.
Bộ Công Thương cũng đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) để tạo ra cạnh tranh và chiết khấu trên thị trường xăng dầu.
Về vấn đề chiết khấu, Bộ Công thương dẫn thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính và cho rằng, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức.
Mức chiết khấu do doanh nghiệp tự thoả thuận. Chiết khấu cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần của mình. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể.
“Nếu nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày thì vấn đề chiết khấu sẽ cơ bản được giải quyết” - Bộ Công Thương nêu trong báo cáo.