Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về các nguyên nhân tăng giá điện và phương án xây dựng giá điện bậc thang mới.
Trong văn bản báo cáo, Bộ Công Thương cho hay mới đây đã thành lập đoàn kiểm tra việc điều chỉnh mức giá điện bình quân và quy định giá bán điện. Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nguyên nhân tiền điện tăng cao
Theo Bộ Công Thương, quá trình xây dựng, ban hành giá điện bán lẻ bình quân năm 2019 được triển khai thông qua nhiều văn bản. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác điều chỉnh giá điện năm 2019. Theo đó, chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện vào thời gian phù hợp. Trong đó có tính đến việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than bán cho sản xuất điện, phân bổ lỗ cho chênh lệch tỉ giá và đảm bảo cho EVN có lợi nhuận chỉ ở mức 3%.
Đặc biệt, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 29-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp từ ngày 15 đến 30-3-2019.
Theo Bộ Công Thương, để đánh giá tác động đến các chỉ số vĩ mô, Bộ đã phối hợp với Bộ KH&ĐT thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện ảnh hưởng đến các chỉ số tiêu dùng (CPI), chỉ số sản xuất (PPI) và tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đó, khi điều chỉnh giá điện thì CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3%-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 của Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Nói về nguyên nhân hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao trong tháng 4, Bộ Công Thương lý giải trong tháng 4, cả ba miền đều nắng nóng, nhiệt độ trung bình toàn quốc tăng 16% so với tháng 3. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện quốc gia và cả ba miền trong tháng 4 tăng hơn so với tháng 3 và cùng kỳ năm 2018.
Hai nguyên nhân còn lại: Thứ nhất là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; thứ hai là do kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn ba ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 3 là ba ngày.
Qua kết quả kiểm tra tình hình thực hiện, trong đó hoạt động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện được thực hiện đúng quy định, đảm bảo việc thông tin điều chỉnh giá điện đến khách hàng kịp thời.
Trong tháng 4, nhiệt độ bình quân ba miền tăng cao là nguyên nhân chính khiến tiền điện tăng cao. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng biểu giá điện bậc thang mới
Bộ Công Thương cho biết trong thời gian qua, Bộ đã nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về phương án giá điện bậc thang, đồng thời khi tính đến các mục tiêu như đảm bảo an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì phương án điện bậc thang vẫn được số đông chấp nhận.
Ở nước ta, năm 2018, số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt dưới 100 kWh là 9 triệu hộ, chiếm 35% tổng số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt. Việc xây dựng bậc 1 và bậc 2 thấp hơn giá điện bán lẻ bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn.
Tuy nhiên, bộ này cho rằng đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao thì việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là cần thiết. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo về mục tiêu an sinh xã hội.
Bộ này cũng thông tin sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước. Từ đó nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện bán lẻ phù hợp với đại bộ phận khách hàng. Đồng thời, EVN cần khắc phục thiếu sót, nghiên cứu thay đổi thiết kế của hóa đơn tiền điện cho khách hàng dễ kiểm tra và theo dõi.
Cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT và các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện.
So sánh giá điện Việt Nam và các nước khác So với các nước Đông Nam Á: Sau khi điều chỉnh giá điện thì mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam bằng 37% so với Campuchia, 78% giá điện của Lào và bằng 66% của tám nước còn lại. So sánh giá điện với các nước cùng GDP: Tổng hợp tám nước có GDP từ 1.599 USD đến 3.246 USD thì mức giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam sau khi điều chỉnh chỉ bằng 83% giá điện bình quân tám nước này. Như vậy, sau khi điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam vẫn thấp hơn 17% giá điện bình quân tám nước có GDP tương đồng với Việt Nam, bằng 66% giá điện bình quân tám nước trong khu vực Đông Nam Á và bằng 58% giá điện bình quân của các nước trên thế giới. Theo nguồn globalpettrolprices tháng 6-2018 và statisticstimes tháng 3-2019 |