Bộ Công Thương lên tiếng về chênh lệch thuế xăng dầu

Chiều 14-3, Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo báo chí về việc thời gian gần đây một số báo phản ánh về việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau giữa thực tế và các quy định trong cam kết thương mại khi hội nhập.

Bộ Công Thương cho biết điều hành giá xăng dầu hiện nay tuân thủ Nghị định 83/2014. Theo điểm b khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Bên cạnh đó, điều 36 của nghị định này cũng nêu rõ: Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Người tiêu dùng phải chấp nhận vì chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết dựa trên những quy định trên thì việc áp các mức thuế trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu đều do Bộ Tài chính đưa ra, Bộ Công Thương chỉ dựa vào đó để áp vào công thức tính giá.

Vị này cũng nhấn mạnh thêm, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Mức thuế nhập khẩu ưu đãi mà cơ quan điều hành giá xăng dầu đang áp dụng dựa trên Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính là 20% đối với xăng, 10% với dầu diesel và madut, 13% với dầu hỏa.

Tuy nhiên, song hành với Thông tư 78, Bộ Tài chính còn ban hành hai thông tư khác liên quan đến thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu. Đó là Thông tư 165 áp dụng mức thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Thông tư áp thuế nhập khẩu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu mà hai thông tư này áp dụng đều thấp hơn 5%-10% so với Thông tư 78. Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng thuế ưu đãi là chỉ cần có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2015 số lượng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN đều tăng mạnh; cụ thể từ Singapore là 3,84 triệu tấn, tăng 48,2%; Thái Lan: 2,28 triệu tấn, tăng gần ba lần so với năm 2014.

Như vậy với phần chênh lệch thuế, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi và người tiêu dung chịu thiệt khi phải mua xăng dầu giá cao.

Bộ Công Thương cho biết Bộ đã và đang tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính sớm có giải pháp hài hòa giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do đã ký trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, suốt một thời gian dài để xảy ra sự chênh lệch mức thuế nhập khẩu trong điều hành xăng dầu thuộc trách nhiệm cả Bộ Tài chính và Công Thương.

Trong đó, Bộ Tài chính không linh hoạt điều hành biểu thuế phù hợp.  Còn Bộ Công Thương khi biết các mức thuế có sự khác nhau thì cần làm việc và đề xuất với Bộ Tài chính phương án điều chỉnh. Trong trường hợp nếu Bộ Tài chính không đồng tình điều chỉnh, khi đó Bộ Công Thương có thể kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Về phương án xử lý, ông Long đề xuất trước hết cơ quan quản lý cần thu hồi khoản tiền chênh lệch thuế và trả lại cho người tiêu dùng thông qua việc đưa số tiền này về quỹ bình ổn. Số tiền này sẽ được dùng để chia sẻ với người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm