Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định việc tăng thuế này cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì Bộ Tài chính sẽ đưa thuế nhập khẩu từ 35% xuống 20%. Thời hạn ngày 1-5 đã cận kề, liệu liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước ra sao? Đặc biệt thời gian chu kỳ 15 ngày tính giá cơ sở hiện hành chỉ còn vài ngày nữa.
Theo lộ trình cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, từ năm 2015 đến 2018, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu có nguồn gốc từ các nước này sẽ phải đưa về mức 20% với xăng, dầu diesel cho ô tô chỉ áp mức 5%, dầu madut là 0%. Tuy nhiên, trên thực tế các mặt hàng này ở Việt Nam đang phải chịu thuế suất nhập khẩu theo cam kết WTO ở mức 35%. Vậy tại sao cơ quan điều hành giá xăng dầu không tính mức thuế theo nguồn gốc từ các nước trên?
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp (DN) xăng dầu cạnh tranh, tự do nhập khẩu. Việc lựa chọn thị trường nhập khẩu là quyền của các DN dựa trên tính toán hiệu quả, có lợi nhất. Các DN xăng dầu cần có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa từ các nước này sẽ được áp dụng mức thuế thấp theo cam kết. “Tỉ trọng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ các nước hưởng ưu đãi thuế trong quý I chỉ chiếm 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này” - bà Mai cho hay.
Theo bà Mai, sắp tới khi thuế môi trường với xăng dầu tăng lên, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động tăng, Bộ Tài chính sẽ kết hợp các công cụ điều hành như quỹ bình ổn giá để cân đối. Đặc biệt, Bộ Tài chính đang tính toán các phương án điều hành thuế nhập khẩu.
Lãnh đạo một DN đầu mối xăng dầu cho biết thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang loay hoay với bài toán thuế xăng dầu. Việc áp dụng song song hai biểu thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và ASEAN khiến công tác điều hành của cơ quan quản lý gặp khó khăn. Do vậy hiện nay liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn đang lấy mốc thuế nhập khẩu xăng dầu cao nhất 35% để làm đầu mối tính toán giá cơ sở cho các DN.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng cơ quan điều hành giá xăng dầu không nên tiếp tục cho phép DN sử dụng quỹ bình ổn để cân đối mức tăng thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp giá xăng dầu tăng. Thay vào đó, Bộ Tài chính nên giảm thuế nhập khẩu giảm bớt gánh nặng cho DN. Thuế nhập khẩu mức cao đã được Bộ Tài chính giữ quá lâu. Cùng với đó, Bộ Tài chính nên có hướng dẫn cụ thể với các DN về thủ tục chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản kiến nghị liên bộ Công Thương - Tài chính về điều hành giá xăng dầu sắp tới. VINPA cho rằng đơn vị này đồng ý quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách thuế tại cùng một thời điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của các DN đầu mối. Thuế nhập khẩu được thu ngay từ khi thông quan (đầu vào) trong khi thuế môi trường thu khi xăng dầu bán ra ngoài thị trường (đầu ra) nên khi tăng/giảm hai loại thuế cùng một thời điểm thì hàng tồn kho theo quy định tại Nghị định 83/2014 (30 ngày) sẽ phải chịu hai lần thuế. Đó là thuế nhập khẩu mức cũ và thuế môi trường mức mới; nếu lượng hàng tồn kho này không được xử lý sẽ gây thiệt hại lớn cho DN.