Sau khi PLO.VN phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội ngưng bán xăng A95, sáng 27-3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cơ quan thường trực điều hành giá xăng dầu, khẳng định một số cửa hàng thông báo hết xăng A95 chỉ là gián đoạn tạm thời.
"Chiều tối 26-3, lãnh đạo Vụ đã liên hệ với Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, nơi có các cửa hàng dán thông báo hết xăng A95 yêu cầu đảm bảo cung cấp xăng A95 đầy đủ. Ngay trong sáng 27-3, các cửa hàng này đã có xăng A95 trở lại phục vụ người tiêu dùng”- Ông Đông nói.
Ông Đông cũng cho biết, chiều nay, Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội sẽ kiểm tra thực tế các cửa hàng xăng dầu.
Một cửa hàng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội dán thông báo chưa có xăng A95. Ảnh: TP.
Theo ông Đông, nguồn cung xăng A95 không thiếu, tuy nhiên thời gian qua xảy ra sự cố tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) gây gián đoạn tại phân xưởng sản xuất xăng A95 trong một tuần, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng A95. Trong khi đó nguồn dự trữ xăng A92 để phá chế xăng sinh học E5 vẫn bình thường.
Ngày 28-3, công việc sản xuất mặt hàng này tại nhà máy sẽ hoạt động bình thường. Trong thời gian nhà máy bị gián đoạn sản xuất, Bộ Công Thương đã họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn phương án nhập khẩu để bổ sung vào nguồn thiếu hụt trong nước và Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này. “Một số cửa hàng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội bị thiếu hàng là do tàu cập cảng trễ 1-2 ngày so với dự kiến. Toàn hệ thống xăng dầu trong nước vẫn đảm bảo nguồn cung xăng A95"- Vị này lý giải.
Về ý kiến cho rằng, nguyên nhân hết hàng A95 là do các đại lý không mặn mà bán xăng A95 vì chiết khấu hoa hồng thấp. Bên cạnh đó, giá xăng trong nước không tăng trong bối cảnh giá thế giới tăng cao. Ông Đông cho rằng, đây mới chỉ đúng một phần. Trong kì điều hành ngày 18-3, theo chỉ đạo của Thủ tướng, giá xăng dầu được giữ nguyên để đảm bảo các chỉ tiêu điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo ông Đông, việc giữ giá xăng dầu trong nước, kết hợp xả quỹ bình ổn trong bối cảnh giá thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. “Các doanh nghiệp cần chia sẻ và trong bối cảnh này, công tác điều hành giá cần đặt lợi ích nhà nước, người dân trên hết. Ngoài ra, việc chiết khấu hoa hồng ở mức nào là do doanh nghiệp tự quyết định, cơ quan quản lý không thể can thiệp sâu vào chuyện kinh doanh”- Ông Đông nói.
Trước đó, lãnh đạo nhiều DN kinh doanh xăng dầu cho biết suốt vài ngày qua, nguồn cung mặt hàng xăng A95 trong nước đang gặp vấn đề. Các đơn vị này buộc phải nhập thêm hàng từ nước ngoài nhưng vẫn không đủ.
“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang tạm ngưng cấp hàng nên các thương nhân đầu mối xăng dầu gặp khó, lượng bán ra nhỏ giọt” - một thương nhân chia sẻ.
Theo ghi nhận của PLO vào ngày 26-3, một số cửa hàng xăng dầu trên đường Giải Phóng, Nguyễn Phong Sắc, Trường Chinh (Hà Nội) đã dán thông báo hết xăng A95. Các cửa hàng tại đây chỉ bán xăng sinh học E5 và các mặt hàng dầu.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng việc cơ quan điều hành giá xăng dầu liên tục xả quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh giá thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đến kinh doanh của DN.
“Nhiều DN đang bị âm quỹ bình ổn, cộng thêm chiết khấu cho đại lý rất thấp, không bù được chi phí dẫn đến kinh doanh lỗ. Tất nhiên không ai mặn mà bán hàng mà biết sẽ lỗ” - ông Long nói.