Bộ Công Thương triển khai cơ chế mua bán điện năng lượng tái tạo

(PLO)- Theo quy định mới, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng, nếu muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA).

Cơ chế mới mua điện năng lượng tái tạo

Thông tin về Cơ chế DPPA, ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết, theo Nghị định 80, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng, nếu mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

giá điện hai thành phần..jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA). Ảnh: CẤN DŨNG

Với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (công suất từ 10 MW trở lên từ điện gió hoặc mặt trời) được tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trong khi đó, trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã tổ chức rà soát các quy trình quản lý nội bộ cho phù hợp với Nghị định 80. Đồng thời phối hợp Bộ Công Thương xây dựng giá phân phối, giá truyền tải, phí dịch vụ và cơ chế liên quan, nghiên cứu điều chỉnh các hợp đồng mua bán điện của Nghị định... để cơ chế có thể vận hành được ngay.

Tuân thủ nghiêm quy hoạch điện 8

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Cơ chế DPPA là bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai. Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng và ban hành, vận hành cơ chế này, chắc chắn sẽ không tránh khỏi lúng túng, có những hạn chế nhất định về mặt nội dung. Do vậy trong quá trình triển khai thực hiện sẽ được điều chỉnh từng bước cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, EVN, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần nghiên cứu thật kỹ quy định trong Nghị định 80 và lập kế hoạch thực hiện.

Bộ trưởng giao Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thông tư hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Bộ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương cũng lưu ý việc thực hiện Cơ chế DPPA cần tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch Điện 8 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 đã được ban hành.

Sắp ban hành cơ chế giá điện hai thành phần

Đáng chú ý, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Điều tiết điện lực khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 8. Ngày 5-7, Bộ Công Thương đã chính thức thành lập ban biên soạn, tổ biên tập để khởi động xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần.

Theo tìm hiểu của PV, giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện theo công suất và điện năng. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng.

Song song đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế tách giá truyền tải và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, thời hạn trước tháng 9. Bộ trưởng đánh giá đây là hai cơ chế có liên hệ rất mật thiết với Cơ chế DPPA và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu sẽ được ban hành tới đây.

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, hiện nay giá và phí truyền tải nằm trong hạch toán chung của EVN, có mức rất thấp so với chi phí thực tế. Bộ trưởng cho rằng, tương lai cứ duy trì như vậy thì EVN - nếu còn thực hiện chức năng điều tiết điện lực sẽ không thể tồn tại được. Do vậy cần từng bước tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng.

"Việc xây dựng cơ chế điện hai thành phần và tách bạch giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng sẽ tạo sự đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện những cơ chế này, bảo đảm công bằng giữa các đơn vị mua và bán điện, trong đó có EVN và các nhà sản xuất điện, đơn vị sử dụng điện" - Bộ trưởng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm