Bộ GD-ĐT đang có sự nhầm lẫn?

Nếu như mọi năm, các trường xác định đối với các ngành nhân hệ số thì điều kiện để tham gia xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi (không có môn nào nhân hệ số) không thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Năm nay, học sinh cả nước đều cùng chịu chung mức điểm sàn là như nhau nhưng lại có chuyện đăng ký vào trường, ngành có môn thi chính (môn nhân hệ số) dẫn đến việc Bộ muốn chuẩn hóa nên đưa ra công thức tính điểm ưu tiên nhân hệ số để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Chẳng hạn, điểm sàn khối A là 13 điểm. Một thí sinh đạt điểm các môn lần lượt là Toán 3 điểm; Hóa 3 điểm và Lý 5 điểm, tổng điểm ưu tiên của thí sinh này là 2 điểm. Nếu không có môn thi chính thì tổng điểm của thí sinh là 3 + 3 +5 +2 điểm ưu tiên = 13 điểm, đạt mức điểm sàn khối A.

Tuy nhiên, nếu thí sinh đăng ký vào trường, ngành có môn thi chính (giả sử môn Hóa) thì tổng điểm được xác định 3 +3*2+ 5 + 2 điểm ưu tiên < 13*4/3, không đạt điểm sàn khối A, hết cơ hội tham gia xét tuyển vào các trường đại học. Đây là bất cập nên Bộ GD-ĐT đưa ra quy định nhân hệ số điểm ưu tiên.

Song Bộ GD-ĐT có sự nhầm lẫn khi hiểu rằng điểm trúng tuyển phải ấn định trước rối mới xác định thí sinh đạt. Cách hiểu giống như, điểm sàn Bộ GD-ĐT ấn định một mức điểm, thí sinh đáp ứng được mức điểm đó là đạt.

Trong khi đó, việc xây dựng điểm trúng tuyển của các trường (điểm chuẩn) theo nguyên tắc xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Nghĩa là điểm chuẩn không thể xác định được trước mà phải lọc từ cao xuống thấp so với chỉ tiêu mới ấn định được. Bên cạnh đó, việc xét tuyển chỉ diễn ra trong trường thí sinh có đăng ký nguyện vọng chứ không phải là tất cả các trường có tổ chức thi. Nói cách khác, những thí sinh đăng ký ngành của khối thi nào đó có môn thi chính của một trường nào đó thì cạnh tranh với nhau mà thôi.
Phiên họp Hội đồng Tư vấn Điểm sàn sáng nay 8/8
Phiên họp Hội đồng Tư vấn Điểm sàn sáng 8/8/2014.

Để minh chứng cho sự bất cập trong cách tính của Bộ GD-ĐT, xin đưa ra một ví dụ. Thí sinh X dự thi khối D1 (môn Tiếng Anh là môn thi chính hệ số 2) với điểm thi lần lượt là Toán 7, Văn 7 và Tiếng Anh 7; không có điểm ưu tiên. Thí sinh Y có điểm lần lượt là Toán 6, Văn 5,5 và Tiếng Anh 6; có tổng điểm ưu tiên là 3,5 điểm.

Nếu không có môn thi chính thì rõ ràng tổng điểm xét tuyển của thí sinh X = 7+ 7 +7 và Y = 6 + 5,5 +6 + 3,5 bằng nhau.

Nếu có môn thi chính thì điểm xét tuyển của thí sinh được xác định bằng công thức: [điểm Toán + điểm Văn + điểm Tiếng Anh*2] + điểm ưu tiên (nếu có)*4/3.

Như vậy tổng điểm xét tuyển của thí sinh X sẽ là 7+7+7*2= 28 điểm; Tổng điểm xét tuyển của thí sinh Y là [6 +5,5 +6*2] + 3,5*4/3 = 23,5 +3,5*4/3 = 28,166 (nếu không nhân hệ số ưu tiên thì thí sinh này chỉ đạt 27 điểm).

Như vậy nếu xét từ cao xuống thấp thì thí sinh Y có cơ hội trúng tuyển trước thí sinh X. Nghịch lý ở đây, thí sinh X có điểm môn thi tốt hơn, điểm môn thi chính tốt hơn nhưng vẫn “dưới cơ” thí sinh Y vì không có điểm ưu tiên.

Qua phân tích này chỉ muốn nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT đang nhầm lần giữa mức điểm sàn (mức điểm được ấn định từ trước và mọi thí sinh phải đáp ứng được) và mức điểm xét tuyển (chưa thể ấn định được ngay từ đầu mà phải lấy từ cao xuống thấp). Hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ sớm nhận ra điều này để có thể điều chỉnh kịp thời.

Theo S.H (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm