Theo dự thảo chương trình tổng thể , chương trình giáo dục phổ thông gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT)
Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên.
Các môn học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, tự chọn trong nhóm môn học và tự chọn trong môn học. Tỉ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.
Đặc biệt ở cấp THPT, chương trình giáo dục bảo đảm phân hoá mạnh: Học sinh học một số (4) môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp.
Bên cạnh việc hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung của chương trình giáo dục, chương trình còn đưa vào hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo này, Bộ GD&ĐT đưa ra bảng biểu hiện năng lực phẩm chất và năng lực chung của học sinh phổ thông mà phải đạt được ở từng cấp học.
Một số phẩm chất mà học sinh phải đạt được là sống yêu thương (Yêu Tổ quốc, Giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình Việt Nam, Giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của quê hương, đất nước, tôn trọng các nền văn hoá trên thế giới, Nhân ái, khoan dung, Yêu thiên nhiên); sống tự chủ (trung thực, tự trọng, tự lực, chăm chỉ vượt khó, tự hoàn thiện); sống trách nhiệm.
Một số năng lực học sinh cần đạt được là năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).