Bộ GD&ĐT 'nói lại cho rõ' việc dừng chương trình chất lượng cao ở đại học

(PLO)- Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc bãi bỏ Thông tư 23/2014 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GD&ĐT vừa có thông tin trao đổi với báo chí chi tiết thêm về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT liên quan đến quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (ĐH).

Theo đó, trong Thông tư 11/2023 do Bộ GD&ĐT mới ban hành, Bộ GD&ĐT cho rằng việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018. Riêng các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1-12-2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.

Bộ GD&ĐT lý giải, theo khoản 6 điều 65 của Luật Giáo dục ĐH 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.

Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định. Các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Như vậy, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục ĐH không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục ĐH.

Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.

Bộ cho rằng việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH.

Về học phí, các cơ sở giáo dục ĐH xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021 của Chính phủ.

Được biết, thực tế hiện nay, ngoài chương trình đào tạo đại trà, ở các cơ sở giáo dục ĐH có nhiều chương trình đào tạo với các mức học phí khác nhau. Cụ thể như chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, chương trình tiên tiến, chương trình đặc thù...

Cùng với đó, học phí của các chương trình này luôn ở mức cao, gấp nhiều lần so với hệ đại trà, trung bình từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm