Bộ GD&ĐT phản hồi việc thay sách giáo khoa liên tục

(PLO)- Cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị có chỉ đạo kịp thời để tránh việc in ấn, buôn bán sách giả, hạn chế cho xuất bản các cuốn sách không thực sự cần thiết.

Trong nội dung kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hưng Yên có nêu: “Hiện nay, mỗi năm các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học.

Các bộ sách giáo khoa liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và có những cuốn thuộc dạng không cần thiết gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, chưa kể đến tình trạng in ấn, buôn bán sách giả tràn lan, giá cả cao”.

Từ đó, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị có chỉ đạo kịp thời để tránh việc in ấn, buôn bán sách giả, hạn chế cho xuất bản các cuốn sách không thực sự cần thiết.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết từ năm 2000, Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo Nghị quyết 40/2000/QH10 và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa yêu cầu của chương trình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời trước Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, mỗi môn học có một số sách giáo khoa và việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện xã hội hóa, việc xuất bản sách giáo khoa được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo lộ trình như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.

Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ hằng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với sách giáo khoa.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục để triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh; uy tín, chất lượng xuất bản của nhà xuất bản cũng như ổn định thị trường cung ứng sách giáo khoa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới