Mới đây Bộ GD&Đt đã có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ GD&ĐT, ngày 18 - 1, Bộ này đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trong đó, quyết định cho phép mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đã được quy định, bổ sung để kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng chặt chẽ hơn các quy định trước đó, cụ thể như sau:
Cụ thể là quy định giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Cùng đó là có hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với các cơ sở thực hành, thực tập bên ngoài nhà trường phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho toàn khóa học.
Mặt khác, các cơ sở thực hành đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành bảo đảm tuân thủ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe trong thời gian tới. Ảnh PHI HÙNG |
Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Điều kiện về cơ sở vật chất đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo; đáp ứng các điều kiện cụ thể về phòng thí nghiệm, thực hành đối với từng ngành đào tạo theo quy định.
Đồng thời có đủ hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe;
Đối với các đại học: Cần có công văn của đại học chấp thuận về mặt chủ trương đối với các đơn vị thành viên thuộc đại học khi mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; Bộ GD&ĐT tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định việc tổ chức đoàn kiểm tra thực tế các điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở đào tạo.
Riêng đối với mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến (bằng văn bản) của Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực ngành đề xuất mở và các điều kiện về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe theo quy định của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện mở ngành bảo đảm theo quy định tại Thông tư nêu trên, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, bổ sung của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là ý kiến đóng góp của Bộ Y tế để đảm bảo và tăng cường kiểm soát chất lượng trong công tác mở các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe trong thời gian tới.