Ngày 3-8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết đã nhận được phản ánh của bà Đặng Thu Phương (Hà Nội) về một số bất cập trong quy định xử phạt khi vượt tín hiệu đèn vàng theo quy định tại Nghị định 46/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8.
"Xử phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ là không hợp lý"
Theo đó, bà Phương cho rằng quy định tại Nghị định 46/2016 về việc người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền ngang bằng hành vi vượt đèn đỏ là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.
Hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc vượt đèn đỏ. Người tham gia giao thông vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý nhưng ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ thường là lỗi cố ý. Đồng thời, tín hiệu đèn vàng thường xuất hiện nhanh nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ như vậy là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.
Xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ còn gây khó khăn cho người thực thi vì khó xác định được bằng mắt thường nếu người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng, dễ gây tranh cãi giữa người thực thi công vụ và người tham gia giao thông.
Từ các căn cứ trên, bà Phương đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định này để bảo đảm sự đồng thuận của người dân khi thực thi.
Ý kiến nêu trên của bà Phương cũng trùng với quan điểm của khá nhiều bạn đọc sau khi các cơ quan báo chí thông tin về quy định thực ra không mới này.
Bộ GTVT: Quy định đã có từ lâu
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trả lời về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết: khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định "người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ" (bao gồm cả tín hiệu đèn giao thông).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của luật này thì "tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".
Bộ GTVT cũng cho hay tại điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ đã quy định cụ thể về các trường hợp phải giảm tốc độ là: "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt...".
Tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây (như Nghị định 146/2007, Nghị định 34/2010, Nghị định 71/2012), đối với nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì đều quy định xử phạt chung một hành vi vi phạm là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Đến Nghị định 171/2013 đã tách thành hai hành vi với mức phạt khác nhau là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" với mức phạt thấp và hành vi "khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng" với mức phạt cao hơn.
Vì sao phải gộp chung các hành vi?
Theo Bộ GTVT, trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị định 171/2013 để xây dựng nghị định mới đã có nhiều ý kiến cho rằng việc tách nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thành hai hành vi vi phạm với hai mức phạt khác nhau như tại Nghị định số 171/2013 dẫn đến tình trạng:
- Ở chiều đường có đèn tín hiệu xanh đang sáng, một số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường có xu hướng tăng tốc độ khi đi đến gần nút giao có lắp đèn tín hiệu giao thông (thay cho việc phải giảm tốc độ) vì cho rằng nếu tín hiệu đèn giao thông có chuyển sang tín hiệu vàng mà không kịp dừng lại trước vạch dừng thì cũng chỉ bị xử phạt ở mức nhẹ hơn.
Tuy nhiên, khi người đi phía trước tăng tốc độ thì kéo theo những người đi phía sau cũng tăng tốc độ (theo cảm tính về khoảng cách với xe chạy phía trước) và nếu khi người đi phía trước thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, chủ động phanh xe lại thì những người đi phía sau sẽ không phanh xe kịp, dẫn đến hậu quả xảy ra va chạm cục bộ giữa các xe tại nút giao.
Còn nếu khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu vàng mà những người này không dừng xe lại trước vạch dừng, vẫn tiếp tục điều khiển xe đi qua nút giao thì sẽ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông hoặc gây cản trở đối với các xe của những chiều đường khác đã có tín hiệu đèn xanh vừa nhập vào nút giao, gây ách tắc giao thông tại nút giao (do thời gian của đèn tín hiệu vàng thường rất ngắn chỉ đủ thời gian cho những xe đã đi quá vạch dừng thoát ra khỏi nút giao).
- Ở chiều đường có đèn tín hiệu đỏ đang sáng, một số người đang dừng xe ở trước vạch dừng tại nút giao cũng thường có xu hướng vội vàng điều khiển xe nhập vào trong nút giao ngay khi đèn tín hiệu đỏ vừa tắt và đèn tín hiệu vàng vẫn còn sáng vì cũng cho rằng chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn, dẫn đến hậu quả xảy ra va chạm, tai nạn giao thông và cản trở đối với các xe của chiều đường có đèn tín hiệu xanh vừa mới tắt vẫn còn đang ở trong nút giao, làm ách tắc giao thông tại nút giao.
Vì vậy để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46/2016 đã gộp hai hành vi này lại thành một hành vi là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" như quy định tại các nghị định trước Nghị định 171/2013.
Bộ GTVT khẳng định quá trình xây dựng nghị định cũng được làm rất kỹ, các nội dung dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả ba miền rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ.
Vượt đèn vàng trong tình huống nào bị xử phạt?
Theo Bộ GTVT, đối với việc xác định lỗi vi phạm "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" để tiến hành xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016, các lực lượng chức năng sẽ căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ và hành vi cụ thể của người tham gia giao thông để xác định lỗi vi phạm (tương tự như đã thực hiện đối với hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" được quy định tại Nghị định 171/2013).
Trong trường hợp người tham gia giao thông đã đi quá vạch dừng mà đèn tín hiệu giao thông mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng thì được đi tiếp và không bị xử phạt; hoặc trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy thì được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường và cũng không bị xử phạt.
"Việc quy định gộp chung thành một hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" và quy định chế tài xử phạt đủ mạnh như tại Nghị định 46/2016 không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Theo Bộ GTVT, khi tất cả người tham gia giao thông đều ý thức được và tuân thủ nguyên tắc phải giảm tốc độ khi đến gần nút giao thì sẽ nâng cao được điều kiện an toàn, chủ động hơn khi phải dừng xe, giảm thiểu được các vụ va chạm, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao.