Bộ GTVT chưa đồng ý tăng giá trần vé máy bay

(PLO)-  Bộ GTVT cho rằng các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng về những tác động của giá nhiên liệu đối với giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết trước diễn biến tăng mạnh của giá dầu thế giới, giá xăng, dầu diesel trong nước cũng được điều chỉnh và chạm đỉnh vào ngày 11-3, với mức giá 30.320 đồng/lít xăng và 25.260 đồng/lít dầu diezen. Mức tăng này ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.

Đối với ngành hàng không, Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của các hãng bay hiện nay chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 30% - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng. Giai đoạn cuối tháng 3-2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 (xăng máy bay) vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 1-4, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực Châu Á lên tới 132,63 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 121,9 USD/thùng.

Để giải quyết cơ bản ảnh hưởng của biến động giá Jet A1 đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp ý kiến của các hãng hàng không và đề xuất Bộ GTVT xem xét phương án điều chỉnh tăng mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách (giá trần) trên các đường bay nội địa.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng trước mắt, trong giai đoạn chưa điều chỉnh tăng mức giá tối đa, do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.

Đầu tháng 4, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương điều chỉnh giá trần vé máy bay. Nguyên nhân từ đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, giả định tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4-2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12-2014 và tăng 84% so với tháng 9-2015.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, biến động chi phí Jet A1 hiện nay tác động làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng hàng không. Song, trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, cơ quan này chỉ đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Cụ thể, đường bay từ 500-850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); từ 850-1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%); từ 1.000-1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới