Trước đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về việc bỏ quy định giá trần vé máy bay đối với đường bay nội địa có từ ba hãng khai thác, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, cho rằng các đường bay có tính cạnh tranh cao không nên áp giá trần hoặc giá sàn vé máy bay là phù hợp với quy luật thị trường. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19, việc bỏ giá trần cần phải được xem xét cẩn trọng.
Nhiều người lo ngại nếu bỏ giá trần vé máy bay, tới đây các hãng sẽ tăng giá vé để vực dậy khó khăn suốt thời gian thua lỗ do dịch COVID-19.
Ảnh: VIẾT LONG
Băn khoăn thời điểm bỏ giá trần
Cũng theo CEO tân binh Vietravel Airlines, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp hàng không vào khó khăn. Thời điểm này, nếu Nhà nước bỏ quy định giá trần thì rất nhạy cảm. “Nên tôi cho rằng việc bỏ giá trần hay áp giá sàn, phía Cục Hàng không, Bộ GTVT cần ngồi lại để đánh giá, thảo luận một cách rất toàn diện, kỹ lưỡng. Trong đó chú trọng tới ý kiến của các hãng hàng không (HHK), người tiêu dùng và các cơ quan quản lý liên quan để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của tất cả các bên” - ông Biên nói.
Với e ngại bỏ giá trần có thể dẫn đến tình trạng các HHK “bắt tay” nhau đẩy giá khiến hành khách bị thiệt, ông Biên khẳng định khó xảy ra vấn đề trên vì các hãng bay đều rất tôn trọng khách hàng. Hành khách cũng biết rõ mức giá nào là phù hợp.
“Ví dụ, vé hãng Vietnam Airlines có nhiều dịch vụ đi kèm thì chắc chắn giá phải cao hơn VietJet. Kể cả hãng chúng tôi nếu đẩy giá lên cũng không thể bằng Vietnam Airlines, bởi vì khác nhau… Nếu có chuyện “bắt tay” thì chắc chắn khách hàng sẽ tẩy chay, lúc đó doanh nghiệp mất rất nhiều. Và nếu có hãng nào bàn việc này, chúng tôi cũng từ chối hợp tác” - ông Biên khẳng định.
Còn đại diện Vietnam Airlines thì ủng hộ bỏ giá trần vé máy bay. Theo Vietnam Airlines, việc bỏ giá trần nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cũng như đảm bảo sức khỏe tài chính của các HHK trong nước. Đồng thời đủ năng lực cạnh tranh với các HHK nước ngoài, đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn.
Cùng về vấn đề trên, tuy nhiên Bamboo Airways, VietJet đều khẳng định chưa đưa ra bình luận gì về việc này.
Lo ngại giá vé tăng cao
Anh Mai Văn Long (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho rằng so với thế giới thì Việt Nam còn hạn chế về số lượng các HHK, song song đó tính cạnh tranh thị trường nội địa vẫn chưa cao và dễ bị dẫn dắt bởi các hãng lớn. Nên Nhà nước cần tiếp tục quy định giá trần vé máy bay.
“Chẳng hạn như thời điểm dịch COVID-19 vừa qua, nhiều chặng bay nội địa ghi nhận giá vé chạm trần với lý do dịch bệnh gặp khó khăn. Có thời điểm vé khứ hồi Hà Nội - TP.HCM lên đến hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại cao, khách hàng cũng phải chấp nhận mua vì số lượng hạn chế. Cạnh đó, những chuyến bay “giờ xấu” cũng ở mức 7-8 triệu đồng. Điều này cho thấy việc bỏ giá trần vé máy bay sẽ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng…” - anh Long dẫn chứng.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết do có công ty ở TP.HCM nên tháng nào chị cũng phải đi máy bay ít nhất một lần. Mùa thấp điểm, chị rất dễ mua vé và giá có tính cạnh tranh tương đối cao giữa các hãng nhưng mùa cao điểm thì điều này rất khó xảy ra.
“Chẳng hạn như đường bay Hà Nội - TP.HCM, vào mùa cao điểm các hãng liên tục tăng chuyến và chạm mức khai thác tối đa do giới hạn slot (lượt cất, hạ cánh) ở sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy nguồn cung khó tăng thêm, trong khi cầu rất cao, lúc đó tôi nghĩ giá vé khứ hồi trên 10 triệu đồng nhiều người cũng buộc phải mua. Như vậy, nó sẽ là rào cản cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp…” - chị Hương phân tích.
Trong khi đó, một đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội cho biết thực tế một số hành khách có công việc đột xuất sẵn sàng trả vé rất cao để được bay vào khung giờ phù hợp, tuy nhiên số lượng này rất ít. Do vậy, Nhà nước cần kiểm soát giá trần vé máy bay nhằm buộc các doanh nghiệp không thể bán quá đắt, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng…
Cục Hàng không Việt Nam đang dự thảo đề xuất Bộ GTVT sửa đổi Điều 116 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng: Trường hợp đường bay có từ ba HHK tham gia khai thác trở lên, HHK được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. |
Vietnam Airlines từng đề xuất nâng trần giá vé máy bay Cụ thể, Vietnam Airlines đã đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6-1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng); các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng); các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3,4 triệu đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4 triệu đồng (tăng 250.000 đồng) |