Khi các đường bay quốc tế chưa hồi phục, các hãng hàng không đã tập trung khai thác đường bay nội địa bằng việc mở thêm hàng loạt đường bay mới. Đồng thời, các hãng cũng tung ra các gói vé ưu đãi để thu hút khách.
Tuy nhiên, trước dịp lễ 30-4, 1-5 và cao điểm hè, thị trường hàng không trở nên bận rộn với lượng khách đặt gần như chật kín. Theo đó, giá vé vào dịp này cũng tăng vọt so với ngày thường.
Nhiều chặng bay vé tăng đột biến
Khảo sát nhanh từ các đại lý và các kênh bán vé trực tuyến cho thấy thời điểm hiện tại, các chặng bay giá vé đều thấp. Điển hình như đường bay Hà Nội, TP.HCM đi Phú Quốc, giá vé chỉ vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, từ ngày 29-4, giá vé xuất phát từ Hà Nội đến Phú Quốc tăng lên từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng/vé/chiều. Tương tự, xuất phát từ TP.HCM, giá vé dao động 1-2 triệu đồng.
Hầu hết vé máy bay đến các điểm du lịch hấp dẫn trong nước đều đồng loạt tăng giá. Điển hình như chặng TP.HCM đi Nha Trang, nhiều tháng liền duy trì giá vé 600.000-800.000 đồng thì dịp lễ 30-4, giá vé nhảy lên 1,2-1,8 triệu đồng. Còn bay từ Hà Nội vé đẩy lên 2,2-3,6 triệu đồng/vé. Dải vé giá cao trên đường bay này duy trì liên tục trong ba ngày từ 29-4 đến 1-5.
Tương tự, trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, từ ngày 29-4 cũng tăng vọt lên 1,8-2,5 triệu đồng. Dịp này, đường bay TP.HCM đi Đà Nẵng cũng bận rộn với 33 chuyến bay/ngày. Theo đó, giá vé trên chặng bay này cũng tăng đột biến so với ngày thường, từ vài trăm ngàn đồng lên 1,6-2,2 triệu đồng.
Với đường bay TP.HCM đi Quy Nhơn, giá vé cũng nhảy lên 1,5-2 triệu đồng, còn hiện tại là 650.000 đồng. Nếu xuất phát từ Hà Nội, giá vé dao động 1,8-2,8 triệu đồng.
Giá vé vào dịp lễ 30-4 tăng vọt so với ngày thường. Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Các đại lý cho hay hầu như không còn vé giá rẻ trong dịp lễ 30-4, thậm chí trên các chặng bay đến Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng lượng vé máy bay đã cạn.
Tín hiệu vui đối với ngành hàng không và du lịch?
Các hãng hàng không cho biết giá vé có tăng mạnh nhưng sẽ không vượt khung so với năm 2019. Ngoài ra, dù lượng khách đã đặt vé rất nhiều nhưng trong trường hợp lượng khách tăng đột biến, các hãng vẫn đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân là các hãng vẫn chưa khai thác tối đa các máy bay do nhiều máy bay các đường bay quốc tế vẫn nằm chờ ở sân.
Ông Phạm Ngọc Duy, Giám đốc điều hành đại lý vé cấp 1, cho biết lượng khách đặt vé đi chơi dịp lễ 30-4 tăng khá cao, tuy nhiên các đại lý khá thận trọng khi xuất vé. Ngoài ra, thay vì vé tập trung vào các đại lý thì hiện tại các công ty du lịch cũng “ôm” vé trên nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Mục đích, họ muốn tung ra các gói khuyến mãi, chương trình du lịch trọn gói khi bán tour gồm khách sạn và vé máy bay.
“Hai năm qua, ngành du lịch điêu đứng vì dịch bệnh. Đây là thời điểm tốt để hàng không và du lịch nhộn nhịp đón khách trở lại. Đồng thời, khách cũng tranh thủ đi đây đi đó trải nghiệm, vui chơi cùng gia đình, bạn bè” - ông Duy cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc điều hành phòng vé trực tuyến Hatika, đánh giá: Lượng khách đặt vé trong sáu ngày cao điểm dịp lễ 30-4 tăng khá sau hai năm xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 thì chưa bằng. Ngược lại, giá vé so các hãng tăng ngang bằng năm 2019 và vẫn nằm trong khung giá vé hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa ban hành hồi tháng 7-2019.
“Đây là tín hiệu khá lạc quan đối với ngành hàng không và du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh” - ông Quý nhận định.•
Ngành đường sắt lên phương án dịp lễ Khác với ngành hàng không, ngành đường sắt chưa có nhiều khách hàng đặt vé tàu đi du lịch hay về quê dịp lễ 30-4 và 1-5 này. Dù vậy, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay đơn vị vẫn lên phương án nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tại khu vực phía Nam. Theo đó, công ty cho chạy thêm các đoàn tàu từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và ngược lại trong các ngày từ 28-4 đến 3-5. Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho hay công ty đã thông báo số tuyến tăng cường tuyến tàu trong dịp lễ để người dân biết trước và lên kế hoạch di chuyển. Còn hiện nay hành khách chưa đặt vé lẻ nhiều, chủ yếu tập trung vào số lượng vé tập thể từ các công ty du lịch. Tuy nhiên, lượng vé bán ra vẫn chưa nhiều. Ông Luyện cho hay nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, ngành đường sắt cố gắng để đáp ứng các yêu cầu một cách tốt nhất như việc di chuyển của các công ty du lịch, khuyến khích các hành khách mua vé tập thể. “Người dân vẫn lo ngại về vấn đề dịch bệnh. Do đó, tùy theo tình hình, ngành đường sắt sẽ lên phương án tăng cường hoặc bãi bỏ một số mác tàu khi cần thiết” - ông Luyện nói. Đối với vấn đề khai báo y tế, ông Luyện cho hay ngành đường sắt khuyến cáo người dân thực hiện ngay khi mua vé, vì mua vé có sẵn số toa, số ghế và mác tàu chạy. Đặc biệt, việc khai báo này đã được triển khai hơn một năm nay, người dân cũng đã quen dần với việc này. Do đó, vấn đề này cũng sẽ được thực hiện một cách dễ dàng và không lo ngại tắc nghẽn nếu lượng khách tăng đột biến. |