Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với các lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đã đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT về nội dung Bộ trưởng đã trả lời chất vấn chiều qua (6-11) liên quan đến các dự án BOT.
Cụ thể, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết tại Nghị quyết 62/2022, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định Bộ này đã quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai tháo gỡ cho tám dự án BOT đang có vấn đề, với tổng chi phí dự kiến khoảng hơn 10.000 tỉ đồng.
“Nhiệm vụ này đã được triển khai từ rất lâu, nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT và Chính phủ giải trình một số vấn đề. Trong đó, ngoài tám dự án trên của Trung ương, các địa phương có bao nhiêu dự án gặp vướng mắc? Nguồn vốn để giải quyết, từ nguồn tăng thu hay lấy từ đầu tư công trung hạn?...
Bộ GTVT đang tiếp tục giải trình với Chính phủ, các bộ ngành để từng bước có thể trình được Quốc hội trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng GTVT, các dự án này không chỉ liên quan đến chủ đầu tư mà còn liên quan đến các ngân hàng.
“Khi làm việc với nhà đầu tư, chúng tôi yêu cầu các nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận còn các ngân hàng thì phải hy sinh câu chuyện lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp và cho biết Bộ GTVT đã tổng hợp, giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước 15-11.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết rất băn khoăn về giải pháp Bộ trưởng nêu. Theo ông Huân, bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh vốn, nếu cắt vốn thì liệu doanh nghiệp có đứng vững được hay không.
Về phía các doanh nghiệp, họ “bỏ tiền đồng, thu tiền hào” là để kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai. "Nếu Bộ đàm phán cắt giảm lợi nhuận của họ, thì có ảnh hưởng đến niềm tin của họ hay không? - ông Huân đặt câu hỏi.
Cho rằng “Khi chim sẻ hoang mang thì đại bàng cũng sẽ lo lắng”, đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cần hết sức cân nhắc khi áp dụng giải pháp đã nêu.
Ông Huân cũng đề xuất giải pháp là dùng ngân sách được phân bổ của ngành giao thông để cơ cấu hỗ trợ cho dự án phải dừng kinh doanh sớm.
“Nếu chúng ta không làm trong một năm, một lần vì ngân sách không đủ thì có thể có lộ trình làm nhiều năm nhiều lần. Chỉ cần công bố lộ trình để nhà đầu tư, nhân dân yên tâm, còn hơn chúng ta cứ im lặng mà không giải trình, giải thích sẽ khiến người dân hoài nghi về tính hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội” - đại biểu Huân nói.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết với tám dự án BOT hiện nay, Bộ GTVT làm việc rất sát sao với các nhà đầu tư và ngân hàng.
“Đây là đàm phán vì hợp đồng ký kết giữa hai bên, trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Bộ GTVT hay Chính phủ, Quốc hội đang nghiên cứu các phương án tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Liên quan đến doanh nghiệp giảm lợi nhuận hay ngân hàng giảm lãi suất, ông Thắng cho rằng đó là việc cần thiết. Tuy nhiên, mức độ thế nào còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thuyết phục giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư và ngân hàng, chứ không thể ấn định nhà đầu tư phải không có lãi hay ngân hàng phải miễn toàn bộ lãi suất.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm trong tám dự án BOT, Bộ GTVT đang đề xuất năm dự án dùng ngân sách mua lại toàn bộ, ba dự án hỗ trợ dưới 50%.