Bao giờ xử lý xong cao tốc không có trạm dừng nghỉ?

(PLO)- Theo bộ trưởng Bộ GTVT, sắp tới sẽ hoàn thiện 24 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc và sẽ trình Chính phủ đưa vào quy chuẩn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-11, Quốc hội (QH) chất vấn nhóm nội dung kinh tế ngành. Các đại biểu (ĐB) QH đặc biệt quan tâm đến những tồn tại, bất cập trong triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng…

nguyen-van-thang1-2564-312.jpeg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Dự án đội vốn bị xử lý nghiêm

Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) nêu tình trạng nhiều dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường cao tốc đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư...

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?” - ĐB Lê Hoàng Anh chất vấn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT được giao 64 dự án với số vốn hơn 300.000 tỉ đồng. Đến nay đã phê duyệt được 60 dự án, đang triển khai và chỉ có số ít dự án tăng mức đầu tư, mức tăng cũng ít. Hiện chỉ có ba dự án ở ĐBSCL có tổng mức đầu tư tăng gồm: Cầu Rạch Miễu 2 nối giữa Bến Tre và Tiền Giang; cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Không có làn dừng khẩn cấp… có sự cố là tắc nghẽn

Việc thiết kế, xây dựng đường cao tốc mỗi bên hai làn và không có làn khẩn cấp, đã có nhiều ĐB tranh luận. Do nguồn vốn của ta eo hẹp nên phân kỳ đầu tư là đúng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế đường cao tốc ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân lưu thông trên đường.

Không có làn dừng khẩn cấp nên chỉ cần có một xe gặp tai nạn hay bị xịt lốp thôi là tắc nghẽn hết tất cả. Rất cần phải xem xét chuyện này.

Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

“Nguyên nhân chính chủ yếu do đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương. Khi khảo sát một đơn giá, khi triển khai chính thức một đơn giá nên tổng mức đầu tư của ba dự án này tăng hơn so với bình thường” - ông Thắng nói và cho biết cá nhân ông đã có chỉ đạo xử lý rất nghiêm về việc này. Cụ thể, nhà thầu đã bị xử phạt, chủ đầu tư bị kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm, các cơ quan thẩm định thuộc Bộ GTVT cũng bị xử lý, đơn vị tư vấn cũng bị phạt tiền hoặc hạn chế cho tham gia vào các dự án khác của Bộ GTVT.

Về nội dung nhiều tuyến cao tốc đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay: Tiêu chuẩn đường cao tốc của Việt Nam giới hạn tốc độ từ 60 km/giờ đến 120 km/giờ. Tuyến nào đã đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh thì có thể chạy được 120 km/giờ hoặc 100 km/giờ. “Bộ đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn và kết quả cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ...” - ông Thắng nói.

p3-nhompv-ttam-3231-847.jpg
Cao tốc qua Bình Thuận hơn 200 km nhưng không có trạm dừng nghỉ. Ảnh: P.NAM

Cao tốc không làn khẩn cấp, trạm dừng đỗ, bao giờ xử lý?

Còn ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: Nghị quyết 100 của QH yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc theo quy mô phân kỳ hai làn xe hoặc bốn làn xe nhưng chưa có làn dừng xe khẩn cấp.

“Việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của bộ trong thời gian tới?” - ĐB chất vấn.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay giai đoạn 2021-2026, cả nước dành khoảng 375.000 tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, các tuyến cao tốc này đã phải thực hiện phân kỳ đầu tư, tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.

Còn ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu việc gần 200 km đường cao tốc đi qua Bình Thuận chưa có trạm dừng nghỉ. “Người dân và cử tri phản ánh khi lưu thông trên cao tốc này không biết “giải quyết nỗi buồn” ra sao? Xin Bộ trưởng cho biết khi nào có trạm dừng nghỉ để người dân an tâm lưu thông trên cao tốc?” - ĐB chất vấn.

Trả lời nội dung này, ông Thắng thừa nhận: “Đúng là trạm dừng nghỉ đang bị chậm”.

Ông cho hay vừa qua Bộ GTVT đã chỉ đạo để giải quyết vấn đề này, trong đó khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư để xã hội hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm dừng nghỉ… Đến nay đã bắt đầu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chín trạm dừng nghỉ thuộc các tuyến cao tốc giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trong năm 2023-2024), 15 trạm của giai đoạn 2.

“Mong ĐB và cử tri cảm thông. Bộ GTVT đang rất quyết liệt để làm bù, giai đoạn 2 phải xong và hoàn tất cho cả giai đoạn 1. Vấn đề này cũng sẽ được đưa vào quy chuẩn và trình Chính phủ trong quý I-2024, gồm cả quy chuẩn đường cao tốc để sau triển khai dễ dàng hơn” - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm