Bộ GTVT đề xuất phương án giải quyết bất cập ở trạm BOT quốc lộ 91

(PLO)-  Bộ GTVT cho biết Tổng cục Đường bộ đưa ra hai phương án nhằm giải quyết bất cập tại trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 qua Cần Thơ và An Giang.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 qua Cần Thơ và An Giang.

Theo Bộ GTVT, dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14 đến km50+889 trên địa phận TP Cần Thơ và An Giang được nhà đầu tư (liên danh Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO) thực hiện.

Dự án có hai trạm thu phí là T1 và T2. Vị trí đặt hai trạm này được Bộ GTVT thống nhất với các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đến tháng 7-2017, người dân dừng xe phản đối việc thu phí tại hai trạm này, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông. Sau khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5-2019, xe đi từ tỉnh Đồng Tháp sang An Giang theo quốc lộ 80 phải đi qua trạm thu phí T2 (đi khoảng 700m của dự án BOT) nên người dân đã phản ứng, cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2.

Theo đó, nhà đầu tư phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019. Việc không được thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí tại trạm T1 dẫn đến không bảo đảm doanh thu thu phí hoàn vốn và phương án trả nợ theo phương án tài chính dự án. Cụ thể, năm 2020, doanh thu đạt 50% và năm 2021 chỉ còn 36% so với phương án tài chính dự án.

Tài xế phản ứng việc thu phí tại trạm T2. Ảnh: H.DƯƠNG

Tài xế phản ứng việc thu phí tại trạm T2. Ảnh: H.DƯƠNG

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với nhà đầu tư đưa ra hai phương án xử lý đối với dự án này.

Phương án 1: Xóa bỏ trạm T2 và tiếp tục thu phí tại trạm T1. Ưu điểm phương án này là nhà nước không phải bố trí kinh phí để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng phương án này không khả thi do không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1, không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn.

Phương án 2: Chấm dứt hợp đồng trước hạn, nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng hơn 1.800 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ hai trạm thu phí T1 và T2. Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và pháp luật PPP, khả thi để thực hiện.

Sau khi xem xét các phân tích, Bộ GTVT kiến nghị giải pháp xử lý theo phương án 2 là chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Bộ GTVT cũng khẳng định phương án mà đơn vị lựa chọn đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và được lãnh đạo Chính phủ kết luận: “Cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ GTVT để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trạm thu phí dự án”

Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định cả nước có 21 trạm thu phí có bất cập như nằm ngoài phạm vi dự án, đặt trên đường hiện hữu để hoàn vốn cho cả dự án xây mới và dự án nâng cấp…. Tuy nhiên, các trạm này đã được xử lý.

Hiện còn lại bốn trạm BOT do tính chất đặc thù và một số nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể nên vượt thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT gồm: Trạm Bỉm Sơn trên quốc lộ 1, tỉnh Thanh Hóa; trạm Bờ Đậu trên quốc lộ 3, tỉnh Thái Nguyên; trạm La Sơn - Túy Loan trên cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan, tỉnh Thừa Thiên - Huế; trạm T2 trên Quốc lộ 91, TP Cần Thơ.

Theo đó, Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất bố trí nguồn vốn để mua lại một số trạm trên nhằm giải quyết dứt điểm các bất cập. “Nếu không có nguồn lực chúng ta không giải quyết được…”- ông Thể khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm