Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng về kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Bên cạnh đó cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục đầu tư để sớm triển khai đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Đồng thời giải quyết các khó khăn về điều kiện vốn, bố trí để có thể khởi động dự án trước năm 2020.
Phối cảnh dự án Dầu Giây - Liên Khương.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư lớn. Để đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe mặt cắt ngang 25 m với tổng chiều dài 200 km cần đến 65.000 tỉ đồng. Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và giao Bộ GTVT nghiên cứu để phân đoạn và phân kỳ đầu tư dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai để lựa chọn, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn Dầu Giây - Tân Phú (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai).
Bộ GTVT đã tổ chức lập và phê duyệt đề xuất dự án, công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư và đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 (đoạn Dầu Giây - Tân Phú) theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,6 km, giai đoạn 1 quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) khoảng 5.773 tỉ đồng.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ báo cáo, nghiên cứu có một số vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Giá mới ban hành về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ và các quy định về lãi vay trong phương án tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư của Bộ Tài chính, dẫn đến dự án không khả thi nếu đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT toàn bộ.
“Vì vậy, theo tính toán cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.650 tỉ đồng để dự án đảm bảo khả năng hoàn vốn. Bộ GTVT đang chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án tháo gỡ các vướng mắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cân đối nguồn hỗ trợ cho dự án…” - Bộ GTVT thông tin.
Đối với các dự án thành phần còn lại (đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương), do tổng mức đầu tư lớn (khoảng 32.000 tỉ đồng), Bộ GTVT đang tiếp tục xây dựng phương án đầu tư từ nguồn vốn vay ODA hoặc từ ngân sách nhà nước.
“Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với các bộ, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với khả năng cân đối bố trí nguồn vốn, làm cơ sở triển khai theo quy định của pháp luật…” - Bộ GTVT cam kết.
Về kiến nghị tiếp tục triển khai dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và tháo gỡ khó khăn về vốn để sớm khởi động dự án. Bộ GTVT khẳng định đang lập đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh Đông Nam bộ. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được đề xuất danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.
“Riêng đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ được bố trí vốn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định để sớm khởi động dự án…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Dự án Dầu Giây - Liên Khương bắt đầu tại nút Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và kết thúc tại chân đèo Prenn (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).