“Chúng tôi vừa đề xuất Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 8.074 tỉ đồng. Nếu Bộ GTVT chấp thuận thì năm 2017 khởi công dự án và thời gian xây dựng mất ba năm”. Ngày 28-6, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án 1 thuộc Bộ GTVT, cho biết.
Vốn eo hẹp nên chọn BOT
Theo kết quả khảo sát, xe lưu thông trên quốc lộ 20 hiện gần 17.600 xe con quy đổi/ngày, đêm, trong đó đoạn Dầu Giây - Tân Phú hơn 7.240 xe/ngày, đêm. Dự báo đến năm 2020, lượng xe qua quốc lộ 20 hơn 21.590 xe/ngày, đêm. Lúc này dù quốc lộ 20 đã được cải tạo mở rộng nhưng vẫn quá tải. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú là rất cần thiết.
“Ngoài ra, việc đầu tư tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc quốc lộ 20; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận” - báo cáo nêu.
Mức thu phí đề xuất ở cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (1.500 đồng/km), thấp hơn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (2.000 đồng/km) đang thu. Ảnh: MP
Dự kiến dự án sẽ chia thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 xây đoạn cao tốc này với bốn làn xe hạn chế (tức chưa có hai làn dừng khẩn cấp), rộng khoảng 17 m. “Ở giai đoạn hoàn chỉnh, bề rộng đường nâng lên thành 24,7 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.074 tỉ đồng và giai đoạn 2 là 6.887 tỉ đồng” - ông Lâm thông tin.
Theo ông Lâm, hiện nay nguồn ngân sách eo hẹp và Bộ GTVT chưa có nguồn để bố trí vốn thực hiện dự án. Cạnh đó, việc kêu gọi vốn ODA đang gặp khó khăn thì để đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác năm 2020, BQL dự án 1 đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức BOT. “Nếu được đầu tư theo hình thức BOT thì chỉ cần thu phí từ người sử dụng để hoàn vốn cùng lợi nhuận cho nhà đầu tư mà không cần đến nguồn vốn từ Nhà nước. Với phương án tài chính đề xuất, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có nhà đầu tư tham gia” - ông Lâm nói.
Giá đầu tư “mềm” nhưng không khác quốc lộ?
Ở khu vực phía Nam đã có một số đường cao tốc đang khai thác như tuyến TP.HCM - Trung Lương (khoảng 40 km), tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Tương tự, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 50 km) có tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, tuyến cao tốc Bến Lức - TP.HCM - Long Thành khoảng 57 km song tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) lên đến 31.000 tỉ đồng.
“So sánh với các đường cao tốc vừa nêu, tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú ở giai đoạn 1 như đề xuất là rẻ. Tuy vậy, vấn đề phải xem lại nó có bao nhiêu làn xe, vận tốc thiết kế bao nhiêu chứ không đường cao tốc vẫn không khác gì đường quốc lộ hiện hữu” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận xét.
Ông Lâm cho biết do khả năng vốn hạn chế nên dự án được phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn. Tuy vậy, dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, khi đi vào khai thác sẽ cấm xe máy lưu thông. Vận tốc thiết kế trong giai đoạn 1 khoảng 100 km/giờ nhưng khi hoàn chỉnh, bổ sung làn dừng khẩn cấp sẽ nâng vận tốc lên như các tuyến cao tốc đang khai thác.
Ngoài ra, ông Lâm cũng cho rằng tổng mức đầu tư nêu trên được tính dựa trên định mức, đơn giá vật liệu trong khu vực nên sự so sánh giữa các dự án sẽ không chuẩn. Ví dụ dự án ở gần các khu mỏ vật liệu hoặc không phải xử lý nền đất yếu thì đơn giá sẽ thấp… nhưng ở dự án này còn phải mở rộng, hoàn thiện. “Công việc này có khi phải đào đường, xẻ núi thì chi phí sẽ tăng lên” - ông Lâm nói.
Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60 km, thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 200 km. Điểm đầu của tuyến trùng với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất). Điểm cuối tuyến cách nút giao quốc lộ 27 khoảng 5 km về phía Đà Lạt (Lâm Đồng). Tổng nhu cầu sử dụng đất của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khoảng 713 ha, gồm gần 100 ha ở huyện Thống Nhất, gần 256 ha ở huyện Định Quán, hơn 24 ha ở huyện Xuân Lộc và gần 333 ha ở huyện Tân Phú. 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km và thu trong 22 năm sáu tháng. Đó là mức thu BQL dự án 1 đề xuất để hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Ngoài ra, BQL cũng đưa ra điều kiện ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện giai đoạn 2 để mở rộng đoạn cao tốc này theo quy hoạch. Đương nhiên lúc đó sẽ bổ sung phương án tài chính cho phần mở rộng. |