Bộ GTVT lý giải nhiều vấn đề về 3 dự án cao tốc phía Nam

(PLO)- Theo Bộ GTVT, ba dự án cao tốc phía Nam đủ điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù, còn năng lực làm chủ đầu tư các dự án thành phần của địa phương Chính phủ sẽ chiếu theo quy định của Luật Xây dựng…

Bộ GTVT vừa thừa ủy quyền Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận về dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong đó, Bộ GTVT đã làm rõ nguồn vốn đầu tư, việc giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần.

Chính phủ chịu trách nhiệm về vốn góp của địa phương

Theo Bộ GTVT, ba dự án đường bộ cao tốc trên có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng. Trong đó, vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến phân bổ khoảng 26.147 tỉ đồng; vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là 9.620 tỉ đồng; vốn địa phương tham gia khoảng 8.358 tỉ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỉ đồng; số tiền còn lại Bộ GTVT rà soát, cân đối lại kế hoạch giai đoạn trung hạn.

Trong đó, khoản tiền tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, Bộ Tài chính sẽ thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo UBTVQH trước ngày 23-5. Với nguồn tiền địa phương, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo các tỉnh bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn tham gia, đáp ứng tiến độ dự án. Bộ GTVT cũng tiếp thu ý kiến kết luận của UBTVQH về việc không tính toán phần vốn tiết kiệm 5% do chỉ định thầu các gói thầu xây lắp. Thay vào đó, Bộ GTVT sẽ cân đối, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư ba dự án trên.

Về khả năng giải ngân vốn, Bộ GTVT cho biết căn cứ điều kiện thi công, Chính phủ đã xây dựng khả năng giải ngân cho từng dự án trong giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, năm 2022 dự kiến giải ngân 562 tỉ đồng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật các dự án. Năm 2023, giải ngân 27.222 tỉ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, tạm ứng và thanh toán khối lượng xây lắp... Năm 2024, giải ngân 23.088 tỉ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thanh toán khối lượng xây lắp... Năm 2025, giải ngân 11.552 tỉ đồng toàn bộ để thanh toán khối lượng xây lắp.

Về cơ chế đặc thù cho ba dự án, Bộ GTVT cho biết từ thực tiễn triển khai đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trong gần 20 năm qua cho thấy công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến khi hoàn thành đầu tư thường kéo dài 5-6 năm, cá biệt có những dự án kéo dài gần 10 năm. Ngoài các nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân do quá trình thực hiện qua nhiều cấp, nhiều khâu với nhiều trình tự, thủ tục làm kéo dài thời gian triển khai...

Dự kiến phân bổ vốn các kỳ kế hoạch trung hạn của ba dự án đường cao tốc.
Đồ họa: HỒ TRANG

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị thống nhất cần thiết có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Hiện QH đã ban hành Nghị quyết 43/2022, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các cơ chế chính sách đặc thù. Chiếu theo các quy định này, ba dự án trên đủ điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù.

Năng lực của địa phương dựa trên quy định pháp luật

Về năng lực và kinh nghiệm của các địa phương trong triển khai các dự án thành phần, Bộ GTVT cho biết sẽ chiếu theo quy định của Luật Xây dựng. Trong đó, các ban quản lý (BQL) dự án phải đáp ứng nhiều điều kiện như có đủ năng lực hoạt động xây dựng phù hợp với công việc quản lý dự án theo quy mô, loại dự án; có cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý dự án…

Hiện các địa phương liên quan của ba dự án đều có cam kết làm cơ quan chủ quản đầu tư. Theo báo cáo của các địa phương, các BQL dự án chưa có kinh nghiệm quản lý dự án xây dựng đường cao tốc nhưng đã quản lý nhiều dự án giao thông. Hiện nay, các địa phương đang kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các BQL dự án, tuyển dụng nhân sự để bảo đảm đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng.

Cạnh đó, Luật Xây dựng cho phép thuê tư vấn quản lý dự án, tương tự việc UBND tỉnh Hậu Giang đang đề xuất làm việc với BQL dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) thực hiện chức năng tư vấn quản lý dự án. Đối với việc thẩm định thiết kế cơ sở, theo quy định của Luật Xây dựng, Bộ GTVT là đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sẽ tiến hành thẩm định thiết kế cơ sở.

Đối với trách nhiệm các chủ thể trong tổ chức thực hiện dự án, Bộ GTVT cho biết sau khi Qh thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng sẽ xem xét phân cấp cho một số địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án thành phần.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, dự kiến mỗi địa phương làm cơ quan chủ quản của một dự án thành phần, Bộ GTVT cũng là cơ quan chủ quản của một dự án thành phần và là cơ quan chủ trì tổng hợp. Đối với dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự kiến giao các địa phương thực hiện các dự án thành phần và UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ trì tổng hợp.•

Tính phương án nhượng quyền thu phí

để thu hồi vốn dự án Biên Hòa - Vũng Tàu

Bộ GTVT cho biết việc chuyển đổi dự án Biên Hòa - Vũng Tàu từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời tính đến phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn.

Cạnh đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu đầu tư theo hình thức PPP phải đến năm 2026 hoàn thành. Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư dự án thì thời gian sẽ kéo dài hơn. Trong khi đó, dự án này cần hoàn thành sớm trong năm 2025 nhằm khai thác đồng bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông (đi trùng 12,6 km với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa cho sân bay Long Thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới