Bộ GTVT nêu quan điểm về phương án triển khai cao tốc TP.HCM – Chơn Thành

(PLO)- Bộ GTVT cho rằng việc tách đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập sẽ lợi thế hơn do huy động được nguồn lực tham gia của địa phương, bảo đảm thuận lợi công tác giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất phương án thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành (Bình Phước).

Theo đó, Bộ GTVT cho biết UBND tỉnh Bình Phước có văn bản số gửi UBND tỉnh Bình Dương thống nhất kiến nghị Thủ tướng cho phép tách khoảng 7,1 km dự án đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành trên địa phận tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập. Sau đó, ngày 25-5, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu vấn đề trên. Như vậy, phương án tách 7,1 km thành dự án độc lập để triển khai đã có ý kiến thống nhất của các địa phương là phù hợp.

Về nguồn vốn để bảo đảm thực hiện dự án, Bộ GTVT cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản thống nhất báo cáo Chính phủ chủ trương bố trí khoảng 5.000 tỉ đồng cho toàn bộ dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, trong đó có 1.000 tỉ đồng hỗ trợ cho đoạn 7,1 km trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ngày 25-5, UBND tỉnh Bình Phước báo cáo đang hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2023.

Hướng đi tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Ảnh: HỒ TRANG

Hướng đi tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Ảnh: HỒ TRANG

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cho rằng việc tách đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập sẽ lợi thế hơn do huy động được nguồn lực tham gia của địa phương, bảo đảm thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chủ động nguồn cung cấp vật liệu để thực hiện dự án. Đồng thời nâng cao hiệu quả tài chính, tính hấp dẫn đầu tư theo phương thức PPP đối với đoạn qua tỉnh Bình Dương.

“Đây cũng là thực tiễn được Thủ tướng quyết định áp dụng đối với một số dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc như tuyến Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Tuyên Quang - Hà Giang…”- Bộ GTVT nêu quan điểm.

Về tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đoạn qua tỉnh Bình Dương, Bộ GTVT cho biết ngày 9-5, UBND tỉnh Bình Dương đề xuất phương án tách công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương với tổng chi phí khoảng 7.388 tỉ đồng thành dự án độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công; đối với cấu phần xây dựng còn lại triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với sơ bộ tổng mức đầu tư 8.808 tỉ đồng.

Ngày 31-5, chính quyền tỉnh Bình Dương cho rằng việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ giúp địa phương chủ động thực hiện, đảm bảo thuận lợi cho công tác triển khai dự án BOT, khi hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thì công tác giải phóng mặt bằng cũng đã cơ bản hoàn thành, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.

“Vì vậy Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét, rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP và các quy định pháp luật liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…”- Bộ GTVT cho hay.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành có điểm đầu tại đường Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), chiều dài khoảng 60 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Nghiên cứu trước đây của Bộ GTVT cho thấy dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành gồm có: đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6km từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM) đến nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương); đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Tổng chiều dài dự án là 68,7km (đoạn qua TP.HCM khoảng 1,7km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua tỉnh Bình Phước hơn 7km).

Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư 24.275 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 12.137 tỉ đồng, vốn BOT khoảng 12.138 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 32 năm.

Tháng 4-2022, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành theo hình thức PPP, thay vì Bộ GTVT.

Trong quá trình này, tỉnh Bình Phước đề xuất tách khoảng 7,1 km dự án đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành trên địa phận tỉnh này thành dự án độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Mục đích tạo điều kiện thuận tiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai các đoạn còn lại theo hình thức PPP.

Hiện UBND tỉnh Bình Dương và Bình Phước đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn ngân sách của các địa phương và hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện theo phương án đề xuất nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm