Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất với các đề xuất của UBND TP.HCM về các nội dung sau: Sử dụng kết quả một cấp cân của hệ thống cân tự động tốc độ cao để phục vụ công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm chở hàng quá tải; tổ chức gắn biển báo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ để tổ chức xử phạt hành vi vi phạm dừng đỗ xe ô tô theo nghị quyết mà HĐ TP.HCM ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng lề đường để đỗ xe ô tô.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thống nhất đề xuất của TP.HCM về triển khai chia sẻ toàn bộ dữ liệu ngành GTVT có thể chia sẻ phục vụ liên thông dữ liệu giữa các ngành, các lĩnh vực của trung ương với TP.HCM và các địa phương trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng thống nhất với đề xuất của UBND TP.HCM về việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban ATGT Quốc gia tiến hành lập đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hình thức xử phạt này sẽ ứng dụng triệt để khoa học công nghệ trong quy trình xử phạt nếu được Chính phủ xem xét và chấp thuận. Đối với những kiến nghị phù hợp với nội dung đã được bổ sung, sửa đổi trong nghị định thay thế Nghị định số 46/2016 cũng như các thông tư liên quan thì sẽ được triển khai ngay khi nghị định và các văn bản này có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu trong hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT giao đơn vị này chủ trì với Sở GTVT TP.HCM để sớm thống nhất phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm. Đồng thời, đơn vị này cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hành lang pháp lý nhằm thực hiện việc treo cảnh báo từ chối đăng kiểm cho phương tiện trên chương trình quản lý kiểm định của Đăng kiểm Việt Nam sau khi nhận được thông báo đề nghị của cơ quan chức năng.
Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT giao cho đơn vị này chủ trì với Vụ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu đăng ký các dự án để triển khai đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành GTVT theo hướng thuê dịch vụ từ các tập đoàn công nghệ lớn thực hiện. Sớm kết nối hệ thống camera chuyên ngành như IST ở các tuyến đường cao tốc, trên các tuyến quốc lộ, các đô thị để giúp giám sát điểm đen, bến cóc, xe dù... tăng hiệu quả quản lý nhà nước, công khai, minh bạch đối với lĩnh vực quản lý giao thông và vận tải đường bộ.
Trước đó, ngày 26-10, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đã đánh giá cao UBND TP.HCM về ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải. "Thời gian tới, đề nghị TP.HCM tiếp tục đề xuất tổ chức một số hội nghị có ý nghĩa và giá trị thực tiễn tương tự nhằm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành, nhất là công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" - ông Hùng nói.