Bộ nào không dẹp giấy phép con phải thấy xấu hổ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, nói: “Việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) có những cái thực chất, có những cái không thực chất. Tuy vậy, đây là điều cần được khuyến khích”.

Dũng cảm “đập nồi cơm” chính mình

. Phóng viên: Thưa ông, nhưng có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại bởi Bộ Công Thương cắt giảm cái này thì có thể phình cái khác ra?

+ TS Nguyễn Đình Cung: Những lo ngại đó cũng có lý do nhưng không đáng ngại. Bởi nguyên lý chung là công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Mặt khác, việc thực thi các ĐKKD thì chủ yếu là địa phương.

Việc cắt giảm ĐKKD của Bộ Công Thương có những cái thực chất, có những cái không thực chất. Điều quan trọng là trong thực tế, những điều kiện không thực chất ấy cũng là cái cớ để người ta hành doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn như trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh buộc phải ghi ngành nghề kinh doanh. Đó là những điều không cần thiết vì hiến pháp đã quy định người dân có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Bỏ điều này đi thì quyền tự do sẽ tăng lên và rủi ro sẽ giảm xuống.

. Ở một góc độ khác, việc Bộ Công Thương dự kiến cắt một lúc hơn 1/2 số ĐKKD đang gây sốc, thưa ông.

+ Thật ra làm được như Bộ Công Thương là phải vượt lên chính mình. Cần chú ý rằng suốt ba nhiệm kỳ trước, rất nhiều ĐKKD mà DN, chuyên gia, báo chí tốn bao nhiêu giấy mực, hội nghị, hội thảo… kiến nghị bỏ mà bộ này dứt khoát không bỏ. Nhiều ĐKKD trong lĩnh vực xăng dầu, gas, dệt may… dù nói thế nào bộ này cũng không bỏ.

Quyết định cắt giảm 675 ĐKKD lần này tôi cho là chưa từng có. Bởi hai lý do: Quy mô và tính tự quyết của Bộ Công Thương. Dĩ nhiên có những áp lực từ bên ngoài, có nghiên cứu, gợi ý từ nhiều người, nhiều bên. Có thể nói đây là việc Bộ Công thương “đập nồi cơm” của chính mình. Làm được việc này rồi Bộ Công Thương sẽ cắt bỏ được nhiều cái vô lý khác. Trong Bộ Công Thương chắc chắn có những đấu tranh rất gay gắt.

. Theo ông, hành động cắt giảm ĐKKD của Bộ Công Thương sẽ tạo ra hiệu ứng gì?

+ Các bộ khác nếu không noi gương thì phải thấy xấu hổ. Bởi Bộ Công Thương vốn là nơi có nhiều ĐKKD nhất. Cách làm này mới mẻ cả về tư duy và hành động. Đó là sự thể hiện một chính phủ hành động. Những nhân tố đổi mới ở các bộ khác hoàn toàn có thể lấy đây là tấm gương để noi theo. Những nhân tố còn chần chừ thì phải xấu hổ và đó là áp lực cần thiết.

Các bộ khác không thể không “ghi bàn” được nữa. Quả bóng đang nằm trong chân họ.

TS Nguyễn Đình Cung: “Có lẽ phiên họp Chính phủ tới đây, Thủ tướng sẽ chỉ định một số bộ nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nhiều bộ khác cũng phải cắt bỏ

. Ông dự báo liệu các bộ nào sẽ noi gương Bộ Công Thương cắt giảm ĐKKD?

+ Tôi tin bộ thứ hai cắt giảm ĐKKD sẽ là Bộ NN&PTNT, rồi đến Bộ GTVT bởi bộ này cần phải lấy lại hình ảnh trước công chúng sau những lùm xùm. Tiếp nữa là Bộ Y tế, dù cho bộ này đang rất lúng túng và tiếp nhận những đề xuất cải cách rất miễn cưỡng chứ không phải tự họ muốn thay đổi. Các bộ khác như Xây dựng, KH&CN, GD&ĐT, LĐ-TB&XH chắc chắn cũng phải cân nhắc cắt giảm các ĐKKD.

. Cụ thể họ nên cắt giảm những gì, thưa ông?

+ Chẳng hạn với Bộ LĐ-TB&XH cần cắt giảm những ĐKKD trong đào tạo nghề. Ngành này không cần quá nhiều các điều kiện vớ vẩn bởi thực hành mới là điều cần thiết và nơi tốt nhất là các nhà máy, DN.

Hay đối với Bộ Y tế, điều kiện cho bệnh viện tư nhân cũng phải thay đổi. Đơn giản như yêu cầu phải có 5 ha đất chẳng hạn. Tư nhân lấy đâu ra 5 ha đất? Nếu chỉ có hơn 1 ha cũng có sao đâu nếu người ta xây lên 17 tầng, có những tầng dành riêng cho việc trồng cây, xây công viên trong phòng và đảm bảo nhiệt độ chuẩn cho những người già.

Làm được điều này thì rủi ro đều được chia sẻ và nguồn lực cũng được huy động tốt hơn, bớt gánh nặng cho bệnh viện công và giúp bệnh viện công dần dần trở lại đúng với chức năng của mình.

. Chắc cần phải có những thúc đẩy thực sự từ Chính phủ?

+ Có lẽ phiên họp Chính phủ tới đây, Thủ tướng sẽ chỉ định một số bộ nữa cắt giảm ĐKKD. Bởi lý do để bảo vệ các ĐKKD hiện nay rất mơ hồ mà mục đích chủ yếu nhất vẫn là để bảo vệ lợi ích của mình.

Hiểu sai hoặc quá cứng nhắc

Có những lý do như để đảm bảo an toàn, trật tự xã hội đã bị hiểu sai hoặc rất cứng nhắc. Nếu cứ tư duy như vậy thì lẽ ra phải cấm tuyệt đối các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… không được bán dao. Bởi nếu căn cứ vào tư duy, lý lẽ đang bảo vệ các ĐKKD hiện nay thì dao phải là nguồn nguy hiểm cao độ.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Phá bỏ sức ỳ trong cán bộ, công chức

. Có người bảo nếu cắt giảm ĐKKD thì công chức không còn việc gì để làm?

+ Nếu công chức không có việc gì làm hoặc rất ít việc thì chắc chắn công chức sẽ đi tìm những việc làm khác có giá trị hơn. Số lượng công chức vì thế sẽ giảm đi. Chứ nếu như hiện nay, vẫn có những công việc mà công chức dựa vào đó để có những nguồn thu nhập khác thì sẽ chẳng bao giờ họ đi tìm những việc hữu ích hơn.

. Tạm thời thì có thể công chức của các bộ sẽ mất việc làm hoặc họ sẽ tìm cách thức khác như có ý kiến đã lo ngại...

+ Thực ra khi bỏ các ĐKKD thì lại tạo ra một dư địa công ăn việc làm mới cho cán bộ, công chức. Họ sẽ không còn chờ đợi các DN đưa báo cáo lên rồi đút vào ngăn bàn nữa mà ngược lại, phải đi thu thập dữ liệu để phân tích thị trường, đưa ra các cảnh báo cần thiết như đúng chức năng của Nhà nước.

. Có điều là không phải bất kể ai cũng thích ứng được nhanh. Vậy phải làm gì?

+ Vai trò, cách thức, công cụ, nội dung quản lý của Nhà nước phải thay đổi hết. Dĩ nhiên không phải là một sớm một chiều nhưng cũng không thể chần chừ mãi. Công nghệ thông tin đã có quá nhiều những ứng dụng, như là truy xuất nguồn gốc chẳng hạn.

Điều này chắc là sẽ thay đổi cách thức tuyển dụng và bổ nhiệm. Sẽ không còn cách lựa chọn nhân sự theo kiểu “hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ” nữa. Bởi nếu cứ cách thức này thì không tìm ra được người tài, người có đam mê vào bộ máy.

. Xin cám ơn ông.

Không chỉ ngồi đó để cấp giấy phép

Chúng ta đã có những ví dụ rất tốt. Chẳng hạn khi Úc nhập thanh long của Việt Nam, họ phải có nhiều nghiên cứu, họ đến tận Việt Nam để xem xét quy trình sản xuất. Nhật Bản nhập gà, xoài của Việt Nam họ cũng làm tương tự như vậy.

Khi DN Việt Nam đã đạt được những điều kiện của họ thì cứ vậy mà xuất khẩu thôi. Họ không cần kiểm tra. Việc kiểm tra chỉ diễn ra khi có những cái bất thường như Mỹ đã từng kiểm tra toàn diện tôm, cá ba sa của ta. Sau khi kiểm tra xong, thấy không có vấn đề thì họ lại nhập khẩu bình thường. Cách thức của họ là vậy chứ không chỉ ngồi để cấp giấy phép.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm