Hạt hướng dương, sữa chua… cùng một lúc vướng vào khâu kiểm tra, kiểm định, xác nhận của nhiều bộ là vấn đề được đích thân Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập.
Bởi thế quy chuẩn rõ ràng và thực hiện quy chuẩn phải thuận lợi, minh bạch, đàng hoàng đang là một yêu cầu tất yếu. Tọa đàm “Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm” mà Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 25-8 cũng toát lên tinh thần chủ đạo này.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước dường như đã tìm được tiếng nói chung về sự cần thiết ấy. Tuy vậy, khoảng cách lớn nhất, nguồn cơn những kiến nghị của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đối với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này có lẽ là tính minh bạch và sự đàng hoàng trong thực thi các quy định.
Bởi luôn có một độ chênh giữa việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) với những biến động của đời sống xã hội. Thực phẩm, vốn là một phần thiết yếu của cuộc sống người dân, sẽ không thể nào bị đóng khung trong tư duy quản lý mang tính nhiệm kỳ và cách thức thực thi pháp luật không minh bạch, thiếu chuẩn tắc.
Không phải không ai thấy những vô lý ấy và cách thức gỡ bỏ những chồng chéo này thực ra đã có, nhất là đối với hai văn bản quan trọng được liệt kê dưới đây.
Kết luận của Ban Bí thư ngày 19-1-2017 nhấn mạnh rằng: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật bảo đảm ATTP.
Nghị quyết số 43/2017 của Quốc hội cũng minh định: “Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về ATTP cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế”.
Như vậy, định hướng cần phải hoàn thành một bộ quy chuẩn kỹ thuật chính về ATTP đã được xác định. Đó chính là “cẩm nang” cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Khi có một bộ quy chuẩn kỹ thuật tường minh, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, cơ quan nhà nước sẽ minh bạch hơn và những bất cập liên quan đến ATTP cũng được giải quyết căn cơ.
Khi đó những tiếng kêu than của doanh nghiệp và sự mệt mỏi của các cơ quan nhà nước sẽ không còn khi “giấy phép con” không còn là tảng đá ghè chân cả hai phía.