TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gần 20 năm nay đau đáu với việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), giấy phép con vô lý kìm hãm doanh nghiệp (DN) phát triển, kể cả lúc ông nằm trong ban soạn thảo Luật DN hồi năm 1999 hay tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện nay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cung nói thẳng: “Ba năm nay chúng ta hô hào bỏ ĐKKD nhưng kết quả chưa như mong đợi. Đã đến lúc phải chặt đứt những gì vô lý”.
Quy định vô cảm
. Phóng viên: Vậy vấn đề nằm ở đâu khiến việc hô hào chặt đứt ĐKKD vô lý không như DN kỳ vọng?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Rõ ràng vấn đề nằm ở danh mục hàng hóa. Có tới khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Chỉ tính riêng tuân thủ các điều kiện kiểm tra chuyên ngành thì một năm trung bình DN đã tốn gần 29 triệu ngày công và hơn 14.300 tỉ đồng.
Như vậy nếu cắt giảm được 30% danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và 4.300 tỉ đồng.
Còn nếu cắt giảm 50% danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và 7.100 tỉ đồng. Cùng với đó là các chi phí lưu kho, lưu bãi, tài chính, hàng hóa quay vòng nhanh hơn và chi phí ngoài luồng sẽ không còn.
. Nhưng nhiều bộ, ngành nêu lý do vì sức khỏe người dân, bảo vệ người tiêu dùng… để duy trì hoặc đẻ thêm các ĐKKD. Thậm chí người ta còn nói rằng kể cả Mỹ cũng kiểm tra chuyên ngành. Ông nghĩ sao?
+ Những lý do này chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành mà thôi! Bởi nếu nại vào các lý do này thì tại sao không học Mỹ. Khi kiểm tra thịt bò, Mỹ kiểm tra từ khâu nuôi, chế biến xem đất đai ra sao, cỏ rả thế nào, giết mổ có đủ điều kiện không… Khi thịt bò sang tới Mỹ, người ta chỉ kiểm tra xác suất chứ tuyệt nhiên không có chuyện kiểm tra tất cả mặt hàng nhập vào như Việt Nam.
Đặc biệt, họ kiểm tra thực sự chứ không phải là xin cấp cái giấy chứng nhận an toàn dựa trên sự kiểm định của một tổ chức khác.
. Hình như trên thế giới cũng ít có nước nào mà ĐKKD trở thành rừng như ở Việt Nam?
+ Đã đến lúc không thể đặt ra theo hướng tiền kiểm bất hợp lý được nữa. Những dạng ĐKKD như phải có nhà, xưởng hay người quản lý phải có trình độ đại học… là những quy định vớ vẩn. Quy định một trung tâm đào tạo nghề cho người tàn tật phải có 150 học viên cũng vớ vẩn. Lấy đâu ra 150 người tàn tật để thành lập một trung tâm đào tạo ngay tức khắc?
Đối với người khuyết tật, chẳng hạn như trẻ tự kỷ, một trẻ cũng phải dạy và đào tạo theo nhiều hình thức: Hoặc là lớp ở trung tâm hoặc là dạy tại nhà. Những quy định này tôi hay gọi là quy định “vô cảm” vì nó không ăn nhập với cuộc sống và triệt tiêu đi tính sáng tạo của người dân và DN.
Các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tại Việt Nam đôi khi chỉ cử một người đi học tiếng Việt. Họ tài trợ toàn bộ chi phí, điều kiện ăn học và trả lương rất cao cho giáo viên người Việt.
Khi kiểm tra thịt bò, Mỹ kiểm tra từ khâu nuôi, chế biến xem đất đai ra sao, giết mổ có đủ tiêu chuẩn không… chứ không chỉ làm “phần ngọn” như ta. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn lựa thịt bò tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Nhân danh lợi ích chung
. Kinh nghiệm của ông từ hồi tháng 6-2016 về cuộc chiến cắt giảm ĐKKD cho thấy điều gì?
+ Thực ra tôi có kinh nghiệm gần 20 năm rồi, từ năm 1999 khi bắt đầu xây dựng Luật DN. Tôi thấy không bao giờ các bộ, ngành chịu bỏ các ĐKKD. Nói cách khác là hầu như không có bộ, ngành nào tự rà soát mình, tự kiến nghị Chính phủ để bãi bỏ các quy định không cần thiết. Hơn nữa, một giấy phép khi các bộ muốn bảo vệ thì sẽ nói đó là bảo vệ sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh lương thực… nên không thể bỏ được.
Những lập luận này không có cơ sở. Người ta nhân danh lợi ích chung để bảo vệ lợi ích riêng của bộ mình, ngành mình.
. Tức là phải có những lập luận thuyết phục thì ông mới đồng ý việc giữ lại một ĐKKD nào đó?
+ Đúng vậy! Có ai cấm bảo vệ an toàn thực phẩm đâu. Ai cũng chung mục tiêu này. Nhưng thế giới người ta không kiểm soát bằng “chứng nhận phù hợp an toàn thực phẩm” mà người ta kiểm soát từ gốc, quy trình, tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất.
Ví dụ Nhật Bản khi nhập thủy sản của Việt Nam, họ vào tận nơi để xem quy trình và điều kiện sản xuất ra sao. Sau đó họ thỉnh thoảng lấy mẫu để kiểm tra và kiểm tra rất nhanh chứ không theo cách lấy một cái giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Nhưng muốn làm theo cách thức đó thì phải thiết lập quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng. Như vậy cũng đồng nghĩa phải bỏ các ĐKKD vô lý và thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước tìm cách thức mới để làm việc, bớt quan liêu và cửa quyền.
Còn nếu cứ giữ các ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành như hiện nay thì quan liêu, nhũng nhiễu sẽ ngày càng phát triển; công việc nhà nước sẽ dễ dàng nhưng ít hiệu quả và kém hiệu lực.
. Như vậy có nghĩa là phải thay đổi chất lượng quản lý?
+ Trước tiên Nhà nước phải thay đổi công cụ quản lý. Khi thay đổi công cụ thì buộc Nhà nước phải tính đến sự phù hợp. Chẳng hạn cán bộ, công chức nào chưa đáp ứng phải đi học. Ai không học được phải bị đào thải ra khỏi hệ thống.
Phải dùng “máy chém” để chặt đứt
. Trong các danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, ông nghĩ có thể cắt giảm thêm không? Nếu cắt thì có ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật không?
+ Không! Những thứ cắt bỏ đi để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho DN và người dân thì không có gì bất ổn và chắc chắn không ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật. Bởi không có sự thuận lợi nào lại gây bất ổn cả, trừ phi đó là sự siết chặt thêm. Cải cách ở các nước đều theo xu hướng tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Nhưng theo tôi, trước mắt tập trung vào các ĐKKD hiện hành sẽ có hiệu quả nhanh hơn.
. Tức là rà soát lại các nghị định, thông tư, nếu có những điều kiện nào đang cản trở thì cắt đi luôn?
+ Những rào cản hạn chế gia nhập thị trường, cạnh tranh, làm méo mó thị trường, tăng chi phí, triệt tiêu sáng tạo… phải liệt kê ra để bãi bỏ. Việc thỏa thuận với các bộ, ngành về việc cắt bỏ từng ĐKKD như trước đây không nên và không thể thực hiện được. Vì các ĐKKD là mớ bòng bong, không thể gỡ được nữa mà phải dùng “máy chém” để chặt đứt.
Điều này cần quyết tâm chính trị từ Thủ tướng. Thủ tướng hoàn toàn có thể đề ra những tiêu chí cơ bản và lập tổ đặc nhiệm để rà soát, sau đó giao cho các bộ trưởng cắt bỏ những ĐKKD, giấy phép con bất hợp lý.
. Nếu các bộ trưởng không cắt bỏ thì sao, thưa ông?
+ Phải thống nhất về mặt chính trị. Nếu không thực hiện chỉ lệnh của Thủ tướng, có thể nhiệm kỳ sau bộ trưởng đó không giữ được vị trí đó dù còn điều kiện.
. Liệu có thể dùng hình thức bãi miễn, bãi nhiệm hay không?
+ Điều đó tùy thuộc vào Thủ tướng và Quốc hội. Bởi lẽ Thủ tướng đã có thông điệp rõ ràng: Bất cứ ai không tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thì đang đi ngược với xu hướng tiến bộ, phát triển và chỉ bảo vệ lợi ích nhóm.
Thủ tướng cũng từng lưu ý báo chí phải làm sao luôn nhắc nhở cho các bộ trưởng phải hành động, chứ không phải nghe Thủ tướng chỉ đạo xong ra khỏi phòng họp là quên hết.
Bởi khi một bộ trưởng đã có ý thức và kỷ luật cải cách thì chắc chắn các vụ trưởng, cục trưởng không thể đi ngược lại. Đôi khi các vụ trưởng, cục trưởng còn có thể nói với các bộ trưởng rằng nếu không giữ các ĐKKD này thì bộ mình sẽ bị ảnh hưởng, xã hội sẽ thế này thế khác và bộ trưởng nếu không có bản lĩnh sẽ khó hành động.
. Xin cám ơn ông.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rà soát tổng thể giấy phép con Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 9-8, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay Bộ đang tập hợp các ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn và của DN về việc cắt giảm các ĐKKD, giấy phép con. “Tinh thần là phải rà soát tổng thể các ĐKKD, kể cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua đó để tiếp tục cắt giảm nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng ổn định” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Cũng theo Bộ trưởng, việc rà soát các ĐKKD đang kìm hãm phát triển sẽ do các bộ, ngành chủ động thực hiện và Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Thủ tướng. Trước đó, ngày 28-7, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, CIEM gửi các nghiên cứu, báo cáo về ĐKKD cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp trước ngày 10-8. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25-8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể. Trao đổi với PV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh”. |