LTS: Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 3-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt, không hợp lý”. Pháp Luật TP.HCM đã đi sâu tìm hiểu thực trạng này.
Cách nay hơn một năm, tháng 7-2016, khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực, chiến dịch cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD, còn được gọi là giấy phép con) được tiến hành. Dù có cam go, gay cấn thì cuối cùng nhiều giấy phép con vô lý cũng được bãi bỏ. Lập tức có 110.000 DN ra đời.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hiện tại vẫn còn đến hơn 5.700 thủ tục các loại. Những thủ tục này đang làm tốn thời gian và chi phí của DN.
Điều kiện rất… khó hiểu
Nói về những ĐKKD hết sức vô lý, bà Cao Minh Trúc, Ủy viên HĐQT Tập đoàn Empire Group, chủ đầu tư của dự án Cocobay Đà Nẵng, nhận xét: “Có quy định khó hiểu đến mức: Muốn khách sạn lên năm sao thì phải có sân tennis. Tiêu chuẩn quốc gia 4391/2015 về xếp hạng khách sạn năm sao quy định phải có sân tennis. Trong khi đó khách sạn chúng tôi đặt cạnh sân golf, khách chủ yếu đánh golf vậy có cần sân tennis nữa hay không?”.
Không chỉ vậy, để đạt tiêu chuẩn khách sạn năm sao thì còn phải có spa. Thế nhưng ở Việt Nam, về mặt pháp lý lại không có ngành nghề spa mà chỉ có ngành nghề xoa bóp.
“Chúng tôi muốn thuê người nước ngoài có chứng chỉ và bằng cấp bài bản theo thông lệ quốc tế về spa thì không được, bởi bằng cấp, chứng chỉ của họ không được chấp nhận ở Việt Nam. Để sử dụng được đội ngũ nhân sự này, chúng tôi buộc phải cho họ đi học một khóa xoa bóp trong vòng ba tháng để được cấp chứng chỉ. Điều này không những không đúng chuyên môn mà còn khiến DN tốn thêm chi phí đào tạo” - bà Trúc nêu thực tế.
Đâu đã hết, DN còn khổ sở với các ĐKKD “con cháu” khác. Cụ thể, bà Trúc cho biết đơn vị của bà muốn xin giấy phép lập sàn võ thuật tổng hợp MMA. Nhưng Tổng cục Thể dục thể thao bảo chỉ thị ban hành từ năm 2005 quy định Việt Nam chưa đủ điều kiện để làm sàn võ thuật và MMA không phù hợp văn hóa Việt Nam.
“Tôi không hiểu chỉ thị này nằm ở đâu trong quy định của pháp luật. Tôi hỏi một bạn cấp 3 của tôi trong một cơ quan nhà nước là bao giờ thì chỉ thị này hết hạn nhưng bạn tôi bảo là có thể… đến hết đời này cũng không ai dám cấp cái giấy ấy đâu” - bà Trúc ngao ngán.
Vẫn còn hàng ngàn thủ tục trói buộc người kinh doanh. Trong ảnh: Doanh nghiệp đang làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD
“Nói lần cuối rồi thôi…”
Có lẽ cái khổ của Tập đoàn Empire Group cũng chưa thấm tháp vào đâu so với các DN kinh doanh ô tô. Thực tế trong thời gian qua hàng loạt đơn vị đã phá sản hoặc thoi thóp vì các loại giấy phép con, giấy phép cháu bóp họ đến nghẹt thở. Công ty Thiên An Phúc do ông Nguyễn Tuấn làm giám đốc là một trong số đó.
Ông Tuấn chán chường cho biết DN của ông đang có nguy cơ phá sản vì Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương. Bởi từ tháng 6-2016, ông cùng nhiều đại diện công ty nhập khẩu ô tô đã “chiến đấu” hết mình kiến nghị bỏ thông tư này với những điều kiện hết sức phi lý như DN muốn nhập khẩu ô tô phải có giấy chứng nhận chính hãng, rồi quy mô nhà xưởng, trạm bảo hành, giấy xuất xưởng...
“Mới đây nhất thì dự thảo nghị định về nhập khẩu xe hơi lại đưa vào nội dung DN phải có cam kết triệu hồi xe của nhà sản xuất. Dự thảo lần này có những điều kiện còn khó và khắt khe hơn cả Thông tư 20 trước đây” - ông Tuấn thở dài.
Theo ông Tuấn, nếu áp dụng những quy định này đối với các nhà nhập khẩu xe hơi thì chẳng khác nào giao thị trường ô tô Việt Nam hoàn toàn cho các hãng nước ngoài. “Không có nhập khẩu song song, không có cạnh tranh, xe bị lỗi đổ về không kiểm soát được, người tiêu dùng không có sự lựa chọn khác” - ông Tuấn cảnh báo.
Ông Tuấn lấy làm tiếc bởi giới nhập khẩu ô tô lên tiếng nhiều nhưng không hiệu quả gì, chẳng ai nghe. Nhớ lại cách đây một năm, khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về ĐKKD, các DN nhập khẩu xe đến rất đông nhưng gần đây còn rất ít đơn vị tham gia nêu ý kiến.
“Khi biết tôi tham dự một hội thảo về ĐKKD mới đây, nhiều người kinh doanh ô tô nhắn tin cho tôi nói không còn kỳ vọng gì nữa, chỉ chờ phá sản thôi” - ông Tuấn nói và nhấn mạnh rằng: “Đây là lần cuối cùng chúng tôi nói, chứ khi phá sản thì không có cơ hội nói nữa rồi”.
Thực tế trong thời gian qua hàng loạt đơn vị nhập khẩu ô tô đã phá sản hoặc thoi thóp vì các loại giấy phép con, giấy phép cháu bóp họ đến nghẹt thở. Ảnh minh họa
“Một rừng đinh nhọn”
Dưới sự trải nghiệm của một đơn vị kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải - ô tô Việt Nam, khi nói về ĐKKD đã thốt lên: “Tôi nhìn thấy một rừng đinh nhọn sắc. ĐKKD, giấy phép con là rào cản nguy hiểm lắm, tôi không biết người thiết kế ra nó có nghĩ vậy không”.
Ông Thanh có lẽ là người cảm nhận sâu sắc nhất những ảnh hưởng của ĐKKD tới ngành vận tải ô tô khi Grab và Uber Taxi ra đời. “Vài năm nay xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới và Bộ GTVT có hai cách để xử lý: Hoặc là xác định xem có loại hình vận tải đó hay không, hoặc là đơn giản ĐKKD đi để các DN thuận lợi hơn. Nhưng đáng tiếc là dự thảo nghị định về vận tải mới đây lại có hướng đưa những ĐKKD ở cấp thông tư vào, có nhiều cái lồng ghép nên rất nặng nề. Vòng kim cô còn chặt, cần phải nới” - ông Thanh nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định: Taxi truyền thống, một cái tên được gắn cho loại hình taxi hiện hành, thua Grab, Uber không phải vì nội lực không đủ mà là vì bị các ĐKKD ràng buộc.
Thậm chí ông Hiếu còn nhấn mạnh: “Tôi khẳng định DN Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng taxi truyền thống không cạnh tranh là do đang chịu áp đặt 10 ĐKKD. Có rất nhiều ĐKKD đang giết chết sự sáng tạo của taxi truyền thống. Ví dụ, để có thể hoạt động được thì taxi truyền thống phải chịu kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, phải đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn về quy tắc đạo đức, ứng xử...”.
Taxi truyền thống không cạnh tranh một phần là do đang chịu áp đặt 10 ĐKKD.
Đồng tình với ý kiến này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng ý kiến nên cấm Uber, Grab Taxi là không được, chỉ nên quản chặt mà thôi. Bởi người tiêu dùng rất thích Uber, Grap vì giá rẻ, lịch sự. Hơn nữa đây là xu hướng kinh tế chia sẻ và Nhà nước phải có quy định phù hợp chứ không phải là nhìn vào những cái sẵn có để thấy cái mới phát sinh không phù hợp.
Nhưng mặt khác bà Loan cũng đề nghị: “Nên giảm các vòng kim cô của taxi truyền thống đi. Trên đầu taxi truyền thống hiện có 13 cái vòng kim cô. Làm sao để giảm ít đi hoặc có thể giảm xuống không còn cái nào”.
Nhiều chi phí vẫn ở mức cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đánh giá thời gian qua ngành ngân hàng giảm lãi suất là rất thiết thực với DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn... Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN khi lên tới 32,5% mức lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Từ thực tế trên, Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế. Bộ KH&ĐT rà soát toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục. Mất cơ hội xuất khẩu 100 tấn mỡ cá vì thủ tục Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vừa phản ánh không xin được giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp để xuất khẩu mỡ cá. Cụ thể, ngày 31-5-2017, Vĩnh Hoàn ký hợp đồng để xuất khẩu 100 tấn mỡ cá vào thị trường Chile, dự kiến xuất hàng trong tháng 6-2017. Thủ tục nhập khẩu của Chile quy định phải có giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp (Certificate of Legal Origin). Sau đó Công ty Vĩnh Hoàn đã liên hệ và gửi công văn đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau như Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào xác nhận thẩm quyền và chấp nhận cấp chứng từ nói trên trong khi đã quá hạn để xuất khẩu lô mỡ cá sang Chile. Có bộ vẫn còn hơn 1.200 giấy phép con Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 ĐKKD hay còn được gọi là giấy phép con. Trong đó nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 ĐKKD. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 ĐKKD. |