Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho biết các doanh nghiệp (DN) đang bị điêu đứng vì gánh nặng về thời gian và chi phí tiền bạc khi phải tuân thủ các thủ tục quản lý chuyên ngành.
Cụ thể là mỗi năm các DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỉ đồng để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành lên đến khoảng 100.000 mặt hàng.
Không biết đường nào mà lần
Từ hai năm nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các DN thành viên liên tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế về Nghị định 38/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Dù có một số vướng mắc được tháo gỡ nhưng những rào cản, khó khăn vẫn còn đó.
Khi chúng tôi liên hệ với một số DN thuộc VASEP để tìm hiểu những vướng mắc do thủ tục kiểm tra chuyên ngành gây ra, họ kêu ca rất nhiều. Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, kể riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, thủy sản có nguồn gốc từ động vật như bột cá, bột xương, dầu cá… vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản lại vừa phải kiểm tra chất lượng của nhiều bộ, ngành khác nhau với nhiều loại giấy tờ.
“Việc một mặt hàng chịu sự quản lý của hai, ba bộ đã được chúng tôi phản ánh rất nhiều rồi nhưng chưa giải quyết được. Nó làm cho cộng đồng DN rất bức xúc vì nó tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí” - ông Bình chia sẻ.
Không chỉ vậy, theo nhiều DN, Nghị định 38 quy định thời gian trả lời của cơ quan chức năng là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường và 30 ngày làm việc với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng kể từ khi nộp đủ hồ sơ. Trên thực tế, sau thời hạn quy định trên DN thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét lại tính lại… từ đầu.
Phân tích về sự bất hợp lý này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, nói: “Thường cứ gần hết thời hạn 15 ngày thì DN sẽ bị yêu cầu bổ sung một thứ gì đó trong quy trình thủ tục. Cơ quan quản lý có thể dựa vào tiêu chuẩn nào đó, thường là nhiều hơn so với mức cần thiết”.
Vẫn theo ông Nam, do không có các tiêu chí thẩm xét rõ ràng nên các cán bộ thẩm xét tùy hứng bắt các DN bổ sung thêm đủ loại giấy tờ không có trong quy định, sửa đổi tiêu chuẩn theo quan điểm cá nhân khiến DN không biết đường nào mà lần.
“Điều này khiến cho DN phải thuê dịch vụ tư, trừ một số DN lớn và DN nước ngoài có đội ngũ nhân viên chuyên đăng ký” - ông Nam cho hay và khẳng định riêng thủ tục mỗi năm đã tiêu tốn của các DN tới 900 tỉ đồng và hàng triệu ngày chờ đợi.
Bốn tháng mới xong một giấy phép
Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho hay với sản phẩm nước mắm, nếu theo đúng luật thì DN chỉ cần thông báo về chất lượng, các chỉ tiêu, hàm lượng… cho cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước chỉ việc tiếp nhận. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan nhà nước lại yêu cầu bổ sung các loại thủ tục và nó không khác gì một điều kiện kinh doanh, giấy phép con làm khổ người kinh doanh.
Một ví dụ được VASEP đưa ra để minh họa cho sự nhiêu khê này là quá trình xin giấy chứng nhận hợp quy của một DN. Theo đó, ngày 24-11-2016, DN nộp hồ sơ. Ngày 25-11-2016, Cục ATTP kiểm tra đầy đủ hồ sơ và tiếp nhận. Đến ngày 15-12-2016, Cục gửi công văn yêu cầu bổ sung lần một. Ngày 22-12-2016, DN nộp bổ sung.
Hơn 400 văn bản kiểm tra chuyên ngành Kết quả rà soát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho thấy số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành là 414 văn bản. Trong đó 30 là luật, pháp lệnh; 97 là các nghị định và 287 thông tư. Đặc biệt, nhiều mặt hàng có tên “mặt hàng khác” làm DN không thể lường hết khi làm thủ tục. |
Tiếp đó ngày 13-1-2017, Cục gửi công văn yêu cầu bổ sung lần hai. Ngày 2-2-2017, DN tiếp tục phải nộp bổ sung lần hai. Ngày 22-2-2017, Cục ATTP lại gửi công văn yêu cầu bổ sung lần ba. Ngày 28-2-2017, DN nộp bổ sung lần ba. Cuối cùng đến ngày 28-3-2017, cục này mới cấp giấy tiếp nhận hợp quy.
Như vậy, thay vì chỉ mất bảy ngày làm việc theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì DN mất tổng cộng bốn tháng bốn ngày mới xin được tờ giấy tiếp nhận hợp quy, mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng quy định về giấy chứng nhận hợp quy là mù mờ, không rõ ràng. Lẽ ra thủ tục này do DN công bố theo tiêu chuẩn của mình và sau đó cơ quan nhà nước tiếp nhận và giám sát.
“Điều này phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, chứ không phải là đặt ra một thuật ngữ mù mờ nhưng bản chất là DN công bố. Mà DN công bố thì không cần Nhà nước phải đặt ra những thủ tục rườm rà. Với những quy định này, không có tiêu chí rõ ràng thì Nhà nước muốn cho thì cho, không cho thì thôi. Đừng đẻ ra những công cụ như giấy chứng nhận hợp quy để hành DN” - ông Cung nói.
“Không thể tuân thủ nổi”
Không chỉ vậy, nhiều khi DN đã xong thủ tục ở một nơi này rồi thì lại vướng thủ tục ở một nơi khác. Trường hợp DN Đàm Đăng Vinh ở Hà Nội là một ví dụ điển hình.
DN này chuyên kinh doanh các sản phẩm sữa nhập khẩu, trong đó có sản phẩm sữa dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy vậy, một sản phẩm sữa đã có chứng nhận ATTP của Bộ Y tế nhưng DN này vẫn phải cần giấy kiểm dịch động vật của Bộ NN&PTNT và giấy ATTP của Bộ Công Thương.
Ông Đàm Đăng Sanh, Giám đốc DN này, cho biết mỗi khi kiểm tra thì phải mất rất nhiều mẫu. Nếu nhập khẩu 100 thùng sữa thì riêng lấy mẫu kiểm tra đã mất gần một thùng. “Chi phí đầu vào như vậy là rất lớn. Riêng mẫu để kiểm tra đã mất khoảng 1%, ấy là chưa kể chi phí kiểm nghiệm” - ông Sanh cho hay.
Đó là sản phẩm đơn chất. Nếu là sản phẩm hợp thành của nhiều chất khác nhau, quá trình kiểm nghiệm lại phức tạp hơn rất nhiều.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam trong kiến nghị của mình về Nghị định 38 đã lấy một ví dụ. Đó là một DN sản xuất bánh sôcôla có sử dụng 12 nguyên liệu nhập khẩu thì DN này phải xin 12 giấy phép nhập khẩu cho nguyên liệu với hồ sơ riêng cho 12 nguyên liệu và một giấy xác nhận công bố thành phẩm. Như vậy, một chiếc bánh sôcôla có thể phải cõng 13 giấy phép.
Bà Trần Ngọc Hân, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, nhận xét: “Việc phải xin giấy phép nhập khẩu, xác nhận công bố thành phẩm như vậy là tình trạng công bố chồng công bố”.
Thậm chí theo đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, ngay cả khi DN chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ về nguyên liệu, không ảnh hưởng gì đến chất lượng của thành phẩm đều phải xin cấp lại giấy phép mới được sản xuất. Điều này khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN bị chậm trễ và chi phí tăng lên.
“DN phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu chồng chéo của các nghị định, thông tư. Điều này là rất khó khăn, thậm chí DN không thể tuân thủ nổi” - đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam nhận xét.
Hiện nay nhiều mặt hàng phải chịu sự kiểm tra, quản lý của nhiều cơ quan chức năng
Một miếng thịt nhiều bộ quản lý Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng nhập khẩu đang phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, pho-mát phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm tra ATTP. Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu ba loại quản lý và kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy. Bên cạnh đó có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ. Ví dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra ATTP của Bộ NN&PTNT. “Muốn kiểm tra gì cũng được” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã giao các bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, NN&PTNT… phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan. Đặc biệt, một lĩnh vực khiến DN còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỉ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Do vậy mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%. Nếu làm được điều này có thể giảm được hàng chục ngàn tỉ đồng chi phí cho DN. “Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. |