Ô tô sợ bị 'cột chặt' với nhiều điều kiện bất hợp lý

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần ba nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Dự thảo này đưa ra rất nhiều điều kiện, trong đó có nhiều điểm bất hợp lý và không khả thi.

Mở như không mở

Bộ Công Thương đánh giá các quy định hiện hành đối với việc kiểm tra, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu chưa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm ngặt; chưa bảo đảm việc hạn chế các dòng xe nhập khẩu kém chất lượng lọt vào thị trường nội địa, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như an toàn môi trường.

Chính vì vậy, trong dự thảo, Bộ Công Thương quy định doanh nghiệp (DN) nhập ô tô phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng để bảo vệ lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng.

Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Kinh doanh ô tô Trường Thành, nói: “Quy định này rất bất hợp lý. Bởi với các công ty nhỏ nhập khẩu xe không chính hãng, để đầu tư một cửa hàng trưng bày cộng với sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải tốn khoảng 2 triệu USD, tương đương hơn 45 tỉ đồng. Trong khi đó nhiều DN mỗi năm chỉ bán được vài chục hoặc vài trăm xe, nếu phải bỏ ra số tiền quá lớn này thì không đủ khả năng, không có hiệu quả kinh doanh và thậm chí gây lãng phí cho DN”.

Từ đó, ông Trường đề nghị chỉ nên quy định DN nhập khẩu ô tô phải sở hữu cơ sở sửa chữa bảo hành sau ba năm kể từ ngày thành lập. Có như vậy mới tạo điều kiện cho cả những công ty mới khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa tham gia thị trường này.

Đồng quan điểm, đại diện một công ty nhập khẩu ô tô không chính hãng nêu thực tế: Những DN kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu lợi nhuận thu được rất thấp, chỉ khoảng 15% thì quy định phải có một cơ sở bảo hành bảo, dưỡng xe mới được nhập khẩu là bất khả thi và không cần thiết. Quy định này sẽ loại các DN nhỏ ra khỏi thị trường và chỉ có lợi cho các ông lớn nhập xe chính hãng, tạo ra sự “độc quyền” trên thị trường ô tô.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ lo bị gạt ra khỏi thị trường nếu dự thảo nghị định về ô tô được áp dụng. Trong ảnh: Thị trường ô tô sôi động với các hoạt động khuyến mãi, tiếp thị. Ảnh: QUANG HUY

“Quy định hiện hành cho phép các đơn vị được liên kết với nhau để đầu tư, cho thuê lại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Như vậy, việc quy định từng doanh nghiệp nhập xe phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là lãng phí” - đại diện nhà nhập khẩu ô tô trên nhấn mạnh.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho biết các DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa sản xuất, lắp ráp vừa nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối nhưng không sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nào. Lý do là các đại lý bán xe của họ đã được ủy quyền làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng; quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo kể cả triệu hồi xe bị lỗi.

“Do đó yêu cầu DN phải sở hữu ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô là không cần thiết. Đề nghị loại bỏ điều kiện này” - VAMA kiến nghị.

Nguy cơ đẻ ra cơ chế xin-cho

Ngoài điều kiện trên, các DN nhập khẩu ô tô đã có văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… kiến nghị loại bỏ hoặc sửa đổi quy định: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các DN nhập khẩu ô tô phải có phần mềm thiết bị chẩn đoán tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, được cung cấp bởi nhà sản xuất ô tô.

Phân tích thêm về điều kiện này, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý Hiền Toyota kiêm phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota Việt Nam, cho rằng chỉ cần cơ sở sửa chữa, bảo hành cung cấp được thiết bị chẩn đoán động cơ và tình trạng kỹ thuật của xe phù hợp với các loại xe là được.

Nếu yêu cầu phải có phần mềm thiết bị chẩn đoán như dự thảo thì chỉ có các cơ sở sửa chữa, bảo hành do hãng chỉ định mới được cấp. Điều này cũng đồng nghĩa những DN vừa và nhỏ không phải do chính hãng chỉ định sẽ không bao giờ có được.

“Nói mở ra cho nhập khẩu ô tô nhưng thực tế lại đang siết lại nhập khẩu với nhiều điều kiện bất khả thi. Thậm chí nguy cơ đẻ ra cơ chế xin cho, phát sinh tiêu cực, tạo ra nhóm lợi ích nhập khẩu ô tô” - bà Hiền nhận xét.

Cũng theo dự thảo nghị định, người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô phải tốt nghiệp ĐH trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô năm năm trở lên.

Nhiều ý kiến cho rằng điều kiện trên là quá khắt khe và thừa. Bởi người quản lý không nhất thiết phải rành mọi vấn đề mang tính kỹ thuật và không phải cứ tốt nghiệp ĐH trở lên thì mới giỏi, mới quản lý được. Cái cần nhất ở người quản lý là khả năng tổ chức, điều hành, xử lý… tốt công việc trên thực tế chứ không phải là bằng cấp.

Tranh cãi về thu hồi ô tô

Dự thảo nghị định quy định các DN kinh doanh nhập khẩu ô tô phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi khi có thông báo từ nhà sản xuất. Việc khắc phục lỗi kỹ thuật phải theo đúng hướng dẫn và quy định của nhà sản xuất.

Phía các nhà nhập khẩu chính hãng cho rằng đưa ra điều kiện này là hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng, đồng thời gắn trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đối với mỗi sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các công ty nhập khẩu ô tô không chính hãng lại cho rằng với điều kiện này chắc chắn chỉ có DN nhập khẩu chính hãng mới đáp ứng được. Bởi vì các DN nhỏ thường nhập khẩu qua trung gian, do đó nếu điều kiện này được áp dụng, các DN nhỏ có nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh rất cao.

___________________________

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ô tô về Việt Nam bất ngờ tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu trong tháng 4. Cụ thể, trong tháng 5, lượng ô tô nhập khẩu đạt 9.935 chiếc, trị giá trên 215,8 triệu USD. Con số này tăng 42,7% về lượng, tăng trên 27% về giá trị so với tháng trước đó.

Tính chung năm tháng đầu năm, lượng ô tô nhập khẩu từ thị trường Indonesia tăng mạnh nhất 613%, Mỹ tăng 58% và Thái Lan tăng 27%. Trong khi nhập khẩu từ nhiều thị trường khác sụt giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm