Theo báo cáo của Chính phủ, thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập trên cả nước là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại, tăng gấp sáu lần. Nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2020 nằm trong các quy hoạch là 385-390 tỉ USD, thực tế khả năng huy động được chỉ đạt 210-215 tỉ USD (chiếm 50%).
Trước tình trạng quá nhiều quy hoạch, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhau như trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay dự án Luật Quy hoạch ra đời sẽ khắc phục được tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay UBKT tán thành quy định quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững.
Ông Thanh nhấn mạnh: “Phương án này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay dự luật này có tác động lớn đến ngành xây dựng, Bộ cũng đã cho ý kiến nhưng đến nay chưa thống nhất. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế, không nhất trí quy hoạch tổng thể quốc gia vì như vậy là quy hoạch của cả hình chữ S” - ông Toàn nói.
Tiếp đó, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề: “Tới đây, quản lý quy hoạch là Bộ KH&ĐT. Thay đổi quan trọng nhất là xóa bỏ quy ngành, sản phẩm nhưng vẫn còn có nhiều ý kiến các bộ là nếu xóa bỏ mất vai trò quản lý ngành, Nhà nước. Cái gì cũng có hai mặt. Tốt nhiều nhưng cũng phân tích thêm rủi ro. Nếu luật ra đời như anh Toàn nói phá vỡ quy hoạch xây dựng”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng trong nền kinh tế thị trường, việc đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được ngoài thị trường thì chúng ta cũng không quản lý được gì, thậm chí đó là cái cớ để xin cho, tạo rào cản phát triển.
“Bộ Công Thương có quy hoạch cả thương nhân xuất khẩu gạo. Trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà người kia không được là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu chứ không phải đưa vào luật này. Thậm chí, còn quy hoạch cả cá tra, cá rô phi... như thế là sai lầm, vì chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ở đó nguồn lực không chỉ của Nhà nước mà còn nằm trong túi của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài” -ông Đông phân tích và cho biết Chính phủ cũng đồng thuận cao về việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm.
Về ý kiến của ông Toàn, ông Đông đính chính lại: “Anh Toàn nói còn nhiều ý kiến chưa thống nhất nhưng 24/26 thành viên Chính phủ đồng thuận”. Ông Đông cũng cho hay lâu nay có hiện trạng nhiều bộ, ngành đều dựa trên luật chuyên ngành có quy định rất là chung là chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch về vấn đề này, vấn đề kia, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn do không làm tích hợp.
Theo ông Đông phương án tích hợp là các bộ ngành và các đối tượng liên quan cùng ngồi lại tham gia vào quá trình quy hoạch để khắc phục những xung đội lợi ích giữa các bên. “Chúng tôi xây dựng luật này không phải để kéo việc về cho Bộ KH&ĐT quản lý” - ông Đông chốt.
Trước việc dự thảo luật Chính phủ trình nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng vẫn còn có văn bản gửi về việc chưa đồng ý với các phương án được xây dựng trong dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Dù đã làm Quốc hội năm khóa nhưng ít gặp trường hợp Chính phủ trình dự luật mà một bộ trưởng không đồng ý. Do vậy, trên quan điểm thận trọng, tôi đề nghị, ban soạn thảo cần phải lắng nghe để thuyết phục nhau”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay: Nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì từ con số hơn 19.000 quy hoạch hiện nay, chi phí hơn 8.000 tỉ đồng sẽ giảm xuống còn hơn 11.000 quy hoạch (chỉ còn 102 quy hoạch cấp trên, còn lại là cấp xã) giảm gần 99%. Kinh phí dự kiến chỉ còn 248 tỉ đồng, giảm 91% so chi phí làm quy hoạch trước kia. |