Theo Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 1-1-2023.
Để giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho người dân khi sổ hộ khẩu giấy bị khai tử, Nghị định 104/2022 đã có quy định việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Theo đó, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện bằng nhiều phương thức.
Tuy nhiên, tại một số nơi cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM vẫn yêu cầu người dân chứng minh nơi cư trú bằng cách phải xin giấy xác nhận nơi cư trú.
Vẫn chưa khai thác thông tin cư trú
Mới đây, chị TNP đã đến UBND một phường thuộc quận Tân Phú, TP.HCM nơi chị đang ở để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Chị P cho biết chị đăng ký thường trú tại phường này hơn 10 năm nay, đã được cấp CCCD gắn chip. Dù sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng nhưng chị P vẫn mang theo để khi được yêu cầu chứng minh nơi ở thì mang ra dùng.
Khi tiếp nhận yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cán bộ tư pháp phường hướng dẫn chị về công an phường xin giấy xác nhận nơi cư trú. Chị P đến công an phường xin cấp giấy xác nhận thì công an phường bảo về, khi nào có sẽ gọi lên lấy chứ không thể cấp liền.
Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp thực hiện các thủ tục hành chính. |
“Tôi đang cần gấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng phải chờ đến ba ngày mới có được. Tôi thấy như vậy là rất lâu. Theo tôi được biết, chỉ cần có CCCD gắn chip là có thể thay thế luôn cả sổ hộ khẩu nhưng tại sao phường lại yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú. Trước đây, tôi chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu là phường đã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân rồi” - chị P chia sẻ.
Tương tự, anh TNT ở quận 7, TP.HCM cũng cho biết cách đây hai tuần, anh đến UBND phường nơi anh đăng ký thường trú để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên, cán bộ phường cũng yêu cầu anh phải về công an phường xin giấy xác nhận nơi cư trú thì mới giải quyết cho anh. Thế nhưng để có giấy xác nhận nơi cư trú thì anh phải chờ ba ngày.
Theo ghi nhận của PV tại một phường ở quận Gò Vấp, những trường hợp người dân có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, ngoài CCCD ra thì người dân phải có sổ hộ khẩu giấy, bản chính hay bản phôtô đều được hoặc giấy xác nhận nơi cư trú.
Theo cán bộ một phường ở quận Gò Vấp, để xác nhận tình trạng hôn nhân chính xác nhất thì cán bộ tư pháp phải biết được thông tin cư trú của người dân tại địa phương, kèm mốc thời gian mà người dân cư trú. Và thông tin trên giấy xác nhận nơi cư trú hoặc sổ hộ khẩu mới có chứ CCCD không thể hiện những nội dung này.
Yêu cầu xác nhận nơi cư trú khá nhiều
Trao đổi với PV về tình hình cấp giấy xác nhận nơi cư trú tại địa phương, lãnh đạo một công an phường tại quận 12, TP.HCM cho biết từ khi bỏ sổ hộ khẩu thì lượng người đến công an phường xin xác nhận cư trú (CT07) tương đối nhiều. Qua trao đổi thì đa phần người dân dùng giấy xác nhận nơi cư trú này để nộp cho công ty nơi xin việc; thực hiện thủ tục công chứng; vay ngân hàng...
Về thủ tục cấp giấy xác nhận nơi cư trú rất đơn giản, người dân chỉ cần đến công an phường xuất trình CCCD hoặc đọc mã số định danh. Sau đó, cán bộ công an phường sẽ thực hiện tra cứu trên cơ sở dữ liệu và tiến hành cấp giấy này cho người dân ngay.
Ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cho biết hiện nay UBND phường đã trang bị máy đọc chip trên CCCD gắn chip. Tuy nhiên, máy này khi quét chỉ thể hiện những thông tin trên CCCD chứ không hiện đầy đủ quá trình cư trú của công dân. Chính vì thế khi giải quyết cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, người dân cần phải có giấy xác nhận nơi cư trú mẫu CT07.
Ông Bình chia sẻ: Việc chuyển đổi số sẽ mang nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay một số đơn vị vẫn chưa được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Chính vì thế, người dân sẽ mất thời gian khi phải xin giấy xác nhận nơi cư trú.
Bảy phương thức khai thác trên thông tin dân cư
Về việc phường chưa được trang bị hệ thống máy đọc chip dẫn tới việc không thể khai thác thông tin trên CCCD, cán bộ tiếp dân hoàn toàn có thể khai thác thông tin của công dân trên mặt thẻ (đọc thủ công).
Với một số thủ tục bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú ở thời điểm hiện tại, cán bộ tiếp dân có thể sử dụng một trong bảy phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn. Trong đó có phần khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc chính cán bộ tiếp dân. Vì vậy, cán bộ không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú.
Trước phản ánh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thời điểm bị lỗi, không chia sẻ được, hiện đơn vị thường xuyên theo dõi, về cơ bản cơ sở đang đáp ứng và không gặp vấn đề gì.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền tốt hơn nữa để cả cán bộ và người dân hiểu rõ về các thủ tục hành chính không cần xuất trình sổ hộ khẩu.
Trung tá NGUYỄN THÀNH VĨNH,Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an)
HOÀNG VIỆT