Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017.
Theo đó, Bộ này cho rằng cần bổ sung thêm hai đối tượng cảnh vệ gồm Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, trong đó Chánh án TAND Tối cao hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị.
Bộ Công an cho rằng đặc thù công việc của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, do đó mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ.
Cạnh đó, việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ đảm bảo thống nhất ba cơ quan quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Hiện nay, người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp đều có chế độ bảo vệ, do vậy cần bổ sung người đứng đầu cơ quan tư pháp vào đối tượng cảnh vệ để đảm bảo cân bằng cả ba cơ quan quyền lực Nhà nước.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: quochoi.vn |
Trước đề xuất trên của Bộ Công an, PV ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.
Thạc sĩ – luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM nêu quan điểm: khoản 4 Điều 3 và điểm e khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định đối tượng cảnh vệ là: “người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”; “Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Và Kết luận số 35 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã quy định Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, hiện nay Chánh án TAND Tối cao đang là Ủy viên Bộ Chính trị.
“Do vậy, có đủ cơ sở lý luận, pháp lý vững chắc để bổ sung hai chức danh này vào nhóm đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên, do khoản 4 Điều 3 và khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ đã quy định các chức danh, chức vụ cấp cao một cách khái quát, sau đó lại có liệt kê cụ thể từng chức danh, chức vụ bên dưới nhưng lại không ghi dự phòng việc bổ sung chức danh, chức vụ cấp cao.
Cho nên, cần thiết phải bổ sung chức danh Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao vào khoản 1 Điều 10 hoặc sửa khoản 1 Điều 10 theo hướng không liệt kê cụ thể chức danh, chức vụ cấp cao nữa mà quy định chuyển tiếp là sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị tương ứng trong từng thời kỳ” - ThS-LS Dũ nói.
Cũng theo ông Dũ, đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 theo hướng bổ sung hai chức danh Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao vào hai khoản 3 và 4 tương ứng hoặc bổ sung vào chung một khoản 3 hoặc khoản 4 để tương thích với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: TÁ LÂM |
Theo viện trưởng một VKS tại TP.HCM, xét trên góc độ thực tiễn, như lập luận của Bộ Công an đã chỉ ra, chức danh Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao có liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, do đó mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ.
“Tôi cho rằng hai chức danh này còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế của con người nữa. Phán quyết, truy tố có tội hay không có tội, tội gì, mức án, mức bồi thường trong vụ án hình sự hoặc thắng thua trong vụ án dân sự, hành chính nó ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến quyền quyền sống, quyền tự do mà nhiều vụ còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính trị, kinh tế của một người hoặc nhiều người có liên quan khác” - vị viện trưởng nói.
Một khi những quyền này của họ không đạt được theo ý chí, mong muốn của họ, họ bị thiệt hại dù là theo luật phải bị thiệt hại thì nó có thể động cơ mãnh liệt và rất đáng sợ cho hai chức danh nêu trên.
Chánh án, Viện trưởng nước ngoài đến Việt Nam: Bảo vệ thế nào?
Phó chánh án một tòa án tại TP.HCM đặt thêm vấn đề khi bổ sung hai đối tượng này vào nhóm đối tượng cảnh vệ thì có nên bổ sung khoản 2 Điều 10 theo hướng Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao (nếu có) của nước ngoài đến Việt Nam trên danh nghĩa công vụ thì họ có được xác định là đối tượng cảnh vệ như hai chức danh này ở trong nước hay không. Cạnh đó, có nên sửa đổi, bổ sung Điều 12 về biện pháp, chính sách cảnh vệ đối với khách nước ngoài hay không?
“Mở rộng hai đối tượng cảnh vệ này không ảnh hưởng gì nhiều đến kinh phí hoặc nhân sự phải bảo vệ. Chúng ta cũng không nên đặt vấn đề liệu mở rộng thêm hai đối tượng cảnh vệ có phải thừa nhận tình hình an ninh trật tự của ta không ổn. Quy luật phát triển đi kèm mặt trái của nó là điều chúng ta phải thừa nhận nên càng phát triển thì kèm nguy cơ. Đây cũng chính là cơ sở lý luận mà cần bổ sung đối tượng cảnh vệ” - vị phó chánh án nêu quan điểm.