Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017.
Theo bộ này, sau 5 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Cảnh vệ năm 2017 đang bộc lộ sáu nhóm vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Một trong sáu nhóm là về “đối tượng cảnh vệ”.
Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm hai đối tượng cảnh vệ, gồm Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh minh họa: VIETNAMNET |
Bộ Công an dẫn chứng, pháp luật hiện nay quy định ba nhóm đối tượng cảnh vệ, gồm: con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người gồm: cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Đối chiếu theo khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017, hiện Việt Nam đang có 37 cán bộ là đối tượng cảnh vệ, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng cần bổ sung thêm hai đối tượng cảnh vệ vào danh sách nêu trên, gồm Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, trong đó Chánh án TAND Tối cao hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị.
Để thuyết phục cho đề xuất của mình, Bộ Công an đưa ra hai lý do:
Thứ nhất là xuất phát từ tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ 2017 cũng như tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong nước, đặc biệt là một số vụ ám sát nhà lãnh đạo trên thế giới đã xảy ra gần đây.
Đặc thù công việc của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, do đó mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ. Hơn thế, một số quốc gia trên thế giới hiện cũng quy định hai chức vụ này thuộc đối tượng cảnh vệ, điển hình như Đức và Canada.
Thứ hai là kết luận số 35 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Kết luận 35 quy định Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngang hàng với Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cũng theo Bộ Công an, việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ đảm bảo thống nhất ba cơ quan quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Hiện nay, người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp đều có chế độ bảo vệ, do vậy cần bổ sung người đứng đầu cơ quan tư pháp vào đối tượng cảnh vệ để đảm bảo cân bằng cả ba cơ quan quyền lực Nhà nước.
Bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung
Ngoài vấn đề “đối tượng cảnh vệ”, dự thảo của Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng khác, như: xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ, hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Bộ Công an cho rằng cần cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ, như cụ thể hóa một số quyền: Tư lệnh Cảnh vệ có quyền phát hành thẻ, Giấy, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ (cả trong nước và nước ngoài); trong trường hợp cần thiết, được thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài…