Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa có văn bản trả lời cử tri Bình Thuận, trong đó chỉ cách nhận biết những dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng.
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT đã không ngừng nâng cao năng lực hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng nhằm phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, thiếu tính xác thực, sử dụng ngôn từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin, sự phát triển lành mạnh người dân trên không gian mạng, đặc biệt là giới trẻ.
Nhiều tin giả; tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh minh họa. |
Phần lớn các nguồn tin phát tán trên không gian mạng đều xuất phát từ những nguồn tin ẩn danh, sử dụng thông tin giả do đó việc xác định các tổ chức, cá nhân cần sự vào cuộc của rất nhiều các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, các bộ ban ngành.
Ngoài việc xử lý ngăn chặn, Bộ TTTT cũng áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lan tỏa các thông tin tích cực, thông tin chính sách mới của Đảng và Nhà nước lên các nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể đã thực hiện chia sẻ hàng chục nghìn lượt các bài viết tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng chục triệu lượt tương tác.
Triển khai tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn từ ngày 1-11-2022.
Các đơn vị thuộc Bộ đã và đang tăng cường tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin cảnh báo, nâng cao ý thức của người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các cuộc gọi rác, giả mạo.
Đồng thời thường xuyên trao đổi, gửi thông tin tới các đơn vị của Bộ công an (Cục A03, A05) để xem xét, phối hợp xử lý các trường hợp lợi dụng dịch vụ viễn thông, Internet để giả mạo, lừa đảo liên quan đến hành vi của người tiêu dùng.
Theo ghi nhận từ cổng thông tin Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ: canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến (tăng tới 44% so với năm 2021), với 2 loại hình lừa đảo là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh.
Cần phải gọi trực tiếp xác minh khi có người hỏi vay tiền, nạp tiền điện thoại. Ảnh PN. |
Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, Email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.
Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...
Để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến, hãy học cách nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo và tránh những trường hợp như:
Ưu đãi hấp dẫn: Bạn thấy các ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường hoặc không thể tưởng tượng được.
Yêu cầu kết bạn bất ngờ: Bạn nhận được lời mời kết bạn trực tuyến từ một người không quen biết.
Thanh toán bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng: Bạn được yêu cầu thanh toán cho dịch vụ bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng mua sắm.
Chuyển tiền khẩn: Bạn được yêu cầu thực hiện giao dịch chuyển tiền khẩn cấp hoặc yêu cầu tiết lộ mã OTP của mình…