Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ TN&MT vừa có thư mời các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đánh giá tác động của dự án xây dựng tuyến giao thông thủy của Campuchia đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho hay: Ngày 8-8, Uỷ ban sông Mê Công quốc gia Campuchia đã gửi thông báo về dự án xây dựng tuyến giao thông thuỷ từ sông Bassac (một trong hai phân lưu của sông Mê Công) nối ra cảng biển khu vực tỉnh Kampot-Kep (Campuchia) tới Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Công Quốc tế.
Theo đánh giá sơ bộ, dự án sẽ gây tác động xuyên biên giới đến tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học, giao thông thuỷ, nông nghiệp, sinh kế, kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thu thập thông tin chi tiết về dự án, triển khai đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án tới vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Các nội dung đánh giá gồm tác động về các mặt như tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế của người dân…
Thực hiện chỉ đạo trên, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ chủ trì, tổ chức mời các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm về ĐBSCL thực hiện đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án nêu trên.
Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị kết quả đánh giá gửi về Cục này trước ngày 25-10 để Cục tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ TN&MT làm cơ sở tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của dự án nêu trên.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng thông tin kết quả đánh giá sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở trao đổi với Camphuchia.
Tại Campuchia, sông Mê Công tách ra làm hai phân lưu, một gọi là sông Bassac (chảy vào Việt Nam gọi là sông Hậu), phần còn lại là sông Tiền.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, việc Campuchia xây dựng tuyến giao thông thuỷ nối từ sông Bassac (thuộc hệ thống sông Mê Công) ra biển sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến ĐBSCL, khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…