Ngày 5-9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng.
Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu trong cuộc họp này phải làm rõ nguyên nhân vì sao lại thiếu vật liệu san lấp như hiện nay, nguyên nhân do đâu và giải pháp là gì, trách nhiệm từng đơn vị, bộ ngành như thế nào...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL. Ảnh: HD |
Theo báo cáo Bộ GTVT, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án trọng điểm với tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư hơn 82.871 tỉ đồng.
Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án.
Đối với vật liệu cát, theo số liệu khảo sát hiện tại, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng là các tỉnh có nguồn cát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các dự án.
Cũng theo Bộ GTVT, mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT làm việc với các địa phương và có các văn bản hướng dẫn nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.
Nếu các địa phương không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng theo kế hoạch sẽ ảnh hưởng tiến độ hoàn thành các dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công trường thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: HD |
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu cát đắp nền. Ảnh: HD |
Việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn chậm. Tỉnh An Giang đã có chủ trương thống nhất hỗ trợ 2 khu mỏ cho các tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ để khai thác phục vụ các dự án. Tuy nhiên, đối với mỏ Nhánh cù Lao Tây là mỏ nạo vét, tận thu không phải mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch nên địa phương chưa thể triển khai các thủ tục.
Mặt khác, do hai khu mỏ này có lượng khai thác lớn (khoảng 7,5 triệu m3), khai thác trong khoảng thời gian ngắn nên vượt khả năng thẩm định hồ sơ về đánh giá tác động môi trường của các cơ quan địa phương. Do vậy, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai khu vực này.
Công trình dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Đồng thời, tỉnh An Giang kiến nghị các thủ tục liên quan việc khai thác cát tại hai khu mỏ này sẽ do UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện là chưa phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ (giao mỏ cho nhà thầu).
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế đặc thù về cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội chỉ được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023.
Do vậy, nếu các chủ đầu tư, địa phương không sớm hoàn thiện các thủ tục để cấp phép cho nhà thầu đủ trữ lượng theo nhu cầu trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án...