Tại dự án nâng cấp, cải tạo QL1A, đoạn qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, ngoài các vấn đề giải phóng mặt bằng vốn phức tạp, mất nhiều thời gian, một vấn đề khác đang nổi lên là thiếu cát đắp nền. Vướng mắc này đã được Ban Quản lý dự án 7 - chủ đầu tư dự án báo cáo Bộ GTVT hồi cuối tháng 4.
Thực trạng nguồn khai thác cung cấp để cát đắp ở ĐBSCL hiện ngày càng khan hiếm, không ổn định và không đáp ứng khối lượng thi công. Ảnh: CHÂU ANH |
Cát đắp nền khan hiếm, đắt đỏ không phải là câu chuyện riêng của Hậu Giang, Sóc Trằng mà là thách thức của nhiều tỉnh ĐBSCL. Nguồn tài nguyên này ngày càng khan hiếm, không ổn định và với dự án lớn như QL 1A thì cho đến nay khó có nguồn nào đáp ứng khối lượng thi công.
Giải pháp mà Ban Quản lý 7 đề xuất và Bộ GTVT sau đó có văn bản gửi 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau là các địa phương này cần có có ý kiến đối với các đơn vị khai thác, cung cấp cát.
Về vấn đề này, tại Hội nghị Giao ban báo chí quý II, sáng 24-5, Chủ tịch Hậu Giang ông Đồng Văn Thanh cho biết hôm13-5, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản phản hồi Bộ GTVT, cho biết hiện địa phương này đang phải rà soát, cân đối nguồn cát làm vật liệu san lấp cho 3 tuyến đường, đang cần khối lượng cát rất lớn.
Đó là Tuyến N1 Tân Châu – Châu Đốc, cần 2 triệu m3; tuyến nối QL 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, cần hơn 1,4 triệu m3; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, nhu cầu tới 10 triệu m3.
Ngoài ra, nhu cầu cát san lấp cho các công trình khác sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, cần tới 14 triệu m3. Đấy là chưa kể nhu cầu cát san lấp cho các công trình dân dụng không sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn.
“Do vậy, việc ưu tiên cung cấp cát cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ tỉnh Hậu Giang đến tỉnh Sóc Trăng và dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL 1 đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau là rất khó khăn” - văn bản trả lời của UBND tỉnh An Giang thể hiện.
Tuy trong văn bản chính thức với Bộ GTVT, An Giang nói vậy, nhưng theo lời Chủ tịch Hậu Giang: “Vừa rồi, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh về báo cáo lại là phía An Giang cho biết vẫn ủng hộ (cát san nền - PV) cho một số tỉnh, trong đó có Hậu Giang. Chúng tôi sẽ làm văn bản gửi An Giang để hỗ trợ vấn đề này”.
Nhưng mọi việc chưa phải như vậy là xong, vì theo ông Thanh, tỉnh rõ Bộ TN&MT sẽ cho phép khai thác cát với trữ lượng bao nhiêu, như thế nào, để phục vụ cho các công trình ở ĐBSCL.