Sáng nay (4-6), Quốc hội bước vào ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhóm vấn đề đầu tiên sẽ được các đại biểu chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, người trả lời chất vấn là Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh.
Nội dung chất vấn sẽ tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Cùng đó là các giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng, GTVT.
Trước đó, Bộ TN&MT đã có báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp, trong đó đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn…
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình hạn hán, thiếu nước ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Những điều này đã gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng ĐBSCL, điển hình như mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.
Dẫn chứng, Bộ TN&MT cho hay trong mùa khô năm 2024, lượng nước về ĐBSCL qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4-2024 khoảng 75 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5 là khoảng 11 tỉ m3 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3-2024 và xâm nhập mặn (4g/l) sâu vào các sông như sông Tiền, sông Hậu khoảng 50-65 km.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ TN&MT là hiện nay số liệu vận hành của các hồ chứa vùng thượng nguồn phía Trung quốc còn hạn chế về tần suất chuyển số liệu.
Mật độ các trạm đo mặn trong khu vực ĐBSCL còn thưa; các thông tin dữ liệu chưa đồng bộ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn của khu vực ĐBSCL.
Mặt khác, độ tin cậy của các sản phẩm dự báo hạn dài chi tiết về hạn hán trên sông Mê Kông, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, cần được đầu tư nghiên cứu để có độ chính xác cao hơn...
Về giải pháp thời gian tới, Bộ TN&MT cho biết đã chủ trì xây dựng giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt khu vực ĐBSCL, trong đó chú trọng vấn đề nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực này.
Khẳng định, an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia, Bộ trưởng TN&MT cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu nhất là việc phục hồi các dòng sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm, suy thoái.
Đồng thời, hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ 15 giờ chiều, các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các nhóm vấn đề về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, KH&CN, TT&TT, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.