Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải đối thoại

(PLO)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải đối thoại. Gặp gỡ trao đổi để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, cùng nhau chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục".

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp gỡ sáng nay. Ảnh: BÁO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp gỡ sáng nay. Ảnh: BÁO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết mấy ngày nay, cơ quan Bộ GD&ĐT chuẩn bị cho sự kiện đón hơn 1 triệu thành viên trong đại gia đình giáo dục Việt Nam cùng gặp gỡ.

"Cá nhân tôi hồi hộp cũng có phần căng thẳng vì thực sự chưa bao giờ làm việc này. Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng thẳng, huống hồ tôi lại được trò chuyện với gần 1 triệu người nhưng tôi sẽ cố gắng. Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc gặp này vì làm sao có thể trả lời hết. Nhỡ không trả lời hết thì mọi người từ sự hồ hởi, trông chờ đón đợi sang thất vọng thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra nhưng mong muốn làm cứ phải làm, không đắn đo và tôi vẫn quyết định tổ chức buổi gặp gỡ ngày hôm nay" - Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải đối thoại. Không phải sự đối thoại của người sử dụng lao động với người lao động mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, vụ cục với toàn thể các nhà giáo. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.

Chương trình gặp gỡ được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh thành. Ảnh: MINH TRÚC

Chương trình gặp gỡ được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh thành. Ảnh: MINH TRÚC

"Ngành GD&ĐT đang triển khai những việc rất lớn, những việc rất khó. Có việc khó tưởng như dời non lấp bể, để làm được việc khó phải đồng tâm hiệp lực. Việc càng khó, càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm cả triệu người. Như vậy, dù cho khó mấy, lớn mấy cũng làm được" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, có trên 6.500 câu hỏi được chuyển đến bằng nhiều kênh, nhiều con đường khác nhau.

"Một buổi hay nhiều ngày tôi cũng không thể trả lời được hết. Trong thời gian có hạn chỉ có thể mời một số nhà giáo ở một số tỉnh thành phát biểu ý kiến. Những vấn đề tôi và lãnh đạo các vụ, cục trao đổi chắc chỉ là một phần vô cùng nhỏ so với số lượng các ý kiến đó.

Sau hôm nay, tôi sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời các chủ đề cho phù hợp và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến và điều chỉnh chính sách" - Bộ trưởng nói thêm.

Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến. Trong đó, khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò của đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm