Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên thẩm định sách giáo khoa

(PLO)- Trước những kiến nghị của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận vấn đề cần giải quyết hiện nay của ngành giáo dục là chuẩn bị nguồn tuyển, điều chỉnh lương, chế độ, phụ cấp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội ngày 1-11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội tiếp tục bày tỏ lo ngại đối với một số vấn đề “nóng” của ngành giáo dục như sách giáo khoa (SGK), thiếu giáo viên (GV), chế độ, chính sách cho nhà giáo…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên thẩm định sách giáo khoa
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Giáo viên thiếu, lương thấp

ĐB Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) nêu thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. “Nhiều người đã phải nghỉ/chuyển việc hoặc phải làm thêm dẫn đến tình trạng chưa tròn vai, chưa tâm huyết với nghề. Phụ cấp của họ cũng rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì” - nữ ĐB nói.

Theo đó, ĐB Phượng đề nghị trong cải cách tổng thể chính sách tiền lương tới đây cần quy định lương của GV ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề.

Còn ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng yếu tố then chốt của giáo dục là đội ngũ GV, vì nếu không có GV thì không có giáo dục. Thế nhưng hiện nay tình trạng thiếu GV trên cả nước đang diễn ra trầm trọng, đến đầu năm học 2023-2024 cả nước vẫn thiếu 118.253 GV.

“Nhiều địa phương phải dồn lớp, bố trí GV dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện, thậm chí là động viên GV dạy tăng tiết, tăng buổi… Tình trạng “giật gấu vá vai” như vậy đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng giảng dạy của GV” - ĐB Hùng nói và đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT có giải pháp gỡ ngay các vướng mắc này.

Trong cải cách tiền lương tới đây cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp… để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Tranh luận gay gắt về SGK

Tranh luận về việc có nên giao Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng cách hiểu phải có một bộ SGK chuẩn là không đúng với tinh thần Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội.

“Theo nghị quyết này, dù Bộ GD&ĐT có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn” - bà Thúy nói.

Cùng nội dung này, ĐB Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nói: Suốt thời gian dài vì sao Bộ GD&ĐT không tổ chức thực hiện Nghị quyết 88/2014? Trong khi đó, chúng ta lại đẩy toàn bộ biên soạn SGK ra xã hội hóa dẫn tới câu chuyện SGK thả nổi - giá tăng và không kiểm soát được...

Giơ biển tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho hay việc thực hiện xã hội hóa SGK nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là tranh thủ chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học, nhà giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo SGK, phục vụ cải cách giáo dục. Thứ hai là huy động tiềm lực kinh tế - xã hội.

“Quan trọng nhất là mục tiêu đầu tiên. Xã hội hóa SGK đang thực hiện tốt, tất nhiên ban đầu bao giờ cũng có những chệch choạc nhất định nhưng chỗ nào chệch choạc thì sửa chỗ đó… Bộ SGK do Nhà nước làm nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?” - ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.

Tư lệnh ngành giáo dục giải trình

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận hiện cả nước thiếu hơn 127.500 GV và đang tiếp tục thiếu do số học sinh tăng, GV nghỉ nhiều. “Riêng Bình Dương, đầu năm học mới đã tăng 35.000 học sinh. Đến tháng 9-2023, cả nước có khoảng 17.300 GV nghỉ việc, chuyển việc” - ông Sơn dẫn chứng và thông tin hiện nhiều tỉnh tuyển GV nhưng lại không có người ứng tuyển, nhất là GV mầm non, nguyên nhân bởi công việc áp lực nhưng lương thấp.

Theo tư lệnh ngành giáo dục, đây là vấn đề rất lớn cần đưa ra nhiều giải pháp như chuẩn bị nguồn tuyển, điều chỉnh lương, chế độ chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi...

Ông Sơn cho rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng SGK cho các lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK cho năm học tới. “Còn việc chuẩn bị trình phương án biên soạn một bộ SGK của Nhà nước, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất và cố gắng 1-2 năm tới sẽ đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội” - ông Sơn khẳng định.•

“Không thể tay không bắt chip được”

Trước băn khoăn của ĐB Quốc hội về việc làm thế nào để đến năm 2030 có thể đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là trọng trách của ngành giáo dục.

Ông Sơn cho hay hiện có 35 trường đại học trong nước đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần ở lĩnh vực này...

“Tuy nhiên, đây là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nên cũng mong đầu tư cao. Không thể tay không bắt chip được…” - ông Sơn nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm