Đại biểu Quốc hội: Càng xã hội hoá, giá sách giáo khoa càng tăng cao

(PLO)- Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng và đây là nghịch lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-11, các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK) tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội trong buổi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tiếp tục tranh luận việc Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK chuẩn

Liên quan đến vấn đề SGK, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Nguyễn Thị Kim Thúy tranh luận với Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa về cơ sở giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK của Nhà nước.

“Theo đại biểu Hoa, Nghị quyết 88 của QH mới là nghị quyết gốc để giải quyết các vấn đề về SGK. Tôi khẳng định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm nghị quyết gốc và cũng không hề phân biệt cấp độ các nghị quyết của QH”, bà Thúy nhấn mạnh.

xã hội hoá sách giáo khoa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Nguyễn Thị Kim Thúy (ĐBQH TP Đà Nẵng).

Đại biểu Thúy cho rằng, theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Hơn nữa, Luật Giáo dục năm 2019 cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không hề quy định nhiệm vụ, tổ chức biên soạn SGK của Bộ GD&ĐT.

“QH khóa này có quyền ban hành một nghị quyết khác với Nghị quyết 122 nhưng có nên làm một việc mà xã hội đã làm?”, bà Thuý đặt câu hỏi.

Theo bà Thúy, để thay đổi một chính sách giữa chừng thì cần phải có thời gian để nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm thế giới, đánh giá tác động cẩn thận. Trong khi báo cáo giám sát việc việc đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông là tổng hợp đề xuất kiến nghị của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, có hai địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn 1 bộ SGK.

“Tôi cho rằng thay vì bộ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK thì tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn" - đại biểu Thúy nói.

Theo bà Thúy, một số ý kiến cho rằng, phải có một bộ sách khoa chuẩn, hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Theo nghị quyết này, dù Bộ GD&ĐT có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Trước đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK không phải là “không tin tưởng vào SGK xã hội hoá”. Tuy nhiên, cần phải có một bộ SGK để có thể hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống, khi cần thiết đảm bảo được đến đầu năm học mới có SGK và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc biên soạn SGK.

Xã hội hoá SGK khiến giá sách tăng cao

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho biết, đến nay, chưa có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tại mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 quy định rõ Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

xã hội hoá sách giáo khoa
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng càng xã hội hoá giá SGK càng tăng.

Ông chỉ rõ Nghị quyết 88 được ban hành năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122 và đặt câu hỏi: Trong 6 năm đó tại sao Bộ GD&ĐT không tổ chức thực hiện Nghị quyết 88 mà lại đẩy toàn bộ việc biên soạn SGK bằng hình thức xã hội hoá. Từ đó dẫn tới câu chuyện thả nổi SGK, giá tăng và không kiểm soát được.

Theo đại biểu Sáu, xã hội hoá SGK là đúng nhưng mức độ cần phù hợp, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa SGK. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hoá đều hạ giá, riêng SGK càng xã hội hóa thì giá càng tăng.

"Đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng giá SGK tiếp tục không tăng. Đồng thời, nó còn trái với Nghị quyết 122 là phải đảm bảo SGK phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thu nhập với người dân. Đi tiếp xúc cử tri ở đâu người dân cũng than phiền giá SGK tăng cao”- ông Sáu thông tin.

Theo Nghị quyết 88/2014, QH quyết nghị việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Theo Nghị quyết 122/2020/QH14, khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm