Dự thảo mới về lựa chọn sách giáo khoa: Nhà trường chủ động hơn

(PLO)- Nhiều nhà giáo đồng tình với dự thảo mới về lựa chọn sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Dự thảo này hiện được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đến hết ngày 20-12 tới và sau khi ban hành sẽ thay thế Thông tư 25/2020 quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục.

Trường chọn SGK, địa phương phê duyệt

Điểm mới của dự thảo lần này chính là hội đồng lựa chọn SGK. Theo đó, hội đồng này sẽ do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

sach-giao-khoa
ý kiến cho rằng việc giao quyền lựa chọn SGK cho các trường nên thực hiện sớm hơn (Ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8, TP.HCM trong một tiết học). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi đã lựa chọn SGK, các trường lập hồ sơ gửi về phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp THCS), Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT). Căn cứ vào kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục tại địa phương.

Hội đồng lựa chọn SGK gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là năm người.

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 25, hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng. Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các hội đồng do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng.

Trách nhiệm của nhà trường lớn hơn

Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, cho biết dự thảo đang lấy ý kiến cũng không khác so với quy trình lựa chọn SGK từ mấy năm nay tại TP.HCM.

Cụ thể, quy trình đó sẽ bắt đầu bằng việc các trường thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Các tổ chuyên môn họp nêu đặc điểm của từng bộ SGK, thống nhất chọn và gửi đề xuất cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng lập văn bản họp hội đồng trường có đại diện cha mẹ học sinh để xem xét và thống nhất với đề xuất của các tổ.

Sau đó, trường sẽ nộp danh mục trên cho phòng GD&ĐT để đơn vị này gửi về Sở GD&ĐT trình hội đồng lựa chọn SGK cấp TP.

Theo ông Đức, gần như hội đồng lựa chọn SGK đều tôn trọng và giữ đúng nguyện vọng của các trường. “Với dự thảo mới, các trường sẽ chủ động hơn nhưng vẫn cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn cấp trên. Chúng tôi nhận thấy dự thảo phù hợp với từng tỉnh, thành” - ông Đức nói.

Đồng tình, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho rằng việc giao quyền lựa chọn SGK cho các trường nên thực hiện sớm hơn. “Vì chỉ có thầy cô và các trường mới hiểu rõ đặc thù của từng đơn vị. Từ đó mới chọn lựa được bộ sách tương thích với năng lực của đội ngũ cũng như trình độ của học sinh. Điều này rất phù hợp. Đặc biệt, nó thể hiện sự tôn trọng đối với người dạy” - ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, Thông tư 25 quy định hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thành lập thường ở tầm vĩ mô và tốn kém.

Đồng quan điểm, giáo viên một trường tiểu học ở quận Gò Vấp bày tỏ dự thảo mới giao quyền tự chủ cho các trường. Mỗi trường tùy theo đặc thù sẽ chọn được bộ sách phù hợp. Bản thân giáo viên là người dạy nên hiểu học trò và nắm vững chương trình do đó sẽ trách nhiệm hơn khi chọn lựa.

Trong khi đó, một vị từng là cán bộ quản lý tại một phòng GD&ĐT cho biết dự thảo thông tư mới giống với Thông tư 01 về quy trình chọn lựa SGK lớp 1 trước đây, tức giao quyền cho các trường. Từ lớp 2, Bộ GD&ĐT chuyển qua Thông tư 25 quy định hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP thành lập.

“Dự thảo mới giúp các trường thuận lợi hơn khi lựa chọn, tuy nhiên vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng lớn hơn. Nếu không am hiểu, không có sự định hướng sẽ không tránh khỏi tình trạng giáo viên chọn theo cảm hứng. Chuyện này từng xảy ra cách đây ba năm, có trường chọn sách lớp 1 theo kiểu mỗi cuốn một bộ, gây khó khăn cho học sinh khi mua cũng như giáo viên trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Sau khi được phòng góp ý đã điều chỉnh cho phù hợp” - vị này nói thêm.

Ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa

- Lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

- Mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK.

- Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

(Dự thảo của Bộ GD&ĐT về quy trình lựa chọn SGK)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm