Chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về tiến độ Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Báo cáo tại cuộc họp, Ban soạn thảo dự luật cho biết đã nhận được hơn 100 văn bản góp ý từ các bộ, ngành, hiệp hội. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác nhau về quy định xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày và người tham gia giao thông không được vượt đèn xanh khi nút giao đang ùn tắc.
Quy định bật đèn xe suốt quá trình lưu thông đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: THU TRINH
Nói về đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng hầu hết các nước tiên tiến đã áp dụng quy định bật đèn nhận diện đối với xe máy. Hiện nay, phần lớn các nước Đông Nam Á cũng đã thực hiện, chỉ còn bốn nước chưa thực hiện gồm: Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện nhanh phương tiện khi đi đối diện, hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Cạnh đó, hiệu quả của giải pháp này hiện đã được chứng minh trên cơ sở khoa học và thực tiễn ở nhiều quốc gia.
“Tuy nhiên, cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày, tránh tình trạng người dân hiểu là bật đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu xe máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh…”- ông Thể nhấn mạnh.
Về đề xuất “đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc”, ông Thể yêu cầu nghiên cứu, định nghĩa rõ hơn các tình huống để nhân dân hiểu, dễ dàng chấp hành và nghiên cứu đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông đảm bảo khách quan, tiện lợi.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ quy định “tín hiệu xanh là được đi”, mà không có đoạn “trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc”.
Theo Bộ GTVT, các quy định này được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968, hiện rất nhiều quốc gia đã áp dụng.
Đưa quy định bật đèn xe suốt cả ngày vào luật Khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Theo Bộ GTVT, năm 2014, Việt Nam gia nhập Công ước giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Vienna 1968). Trong đó, nước ta cam kết thực hiện các quy định chung của công ước. Vì vậy, quan điểm xây dựng dự luật giao thông đường bộ phải nội luật hóa các luật chung này, trong đó có quy định bật đèn xe máy cả ngày (đèn position light hay gọi là đèn đờ mi). Bộ GTVT cũng dự kiến sẽ áp dụng quy định theo hướng không hồi tố với các loại xe máy cũ chưa được thiết kế đèn nhận diện, chỉ áp dụng với các xe sản xuất mới. Mục đích, để các nhà sản xuất trong và ngoài nước khi sản xuất xe máy phải trang bị đèn nhận diện. |