Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tại buổi lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Báo cáo do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim chủ trì, diễn ra ngày 23-2 ở Hà Nội.
Tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là con đường duy nhất để cải cách kinh tế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim tại buổi công bố báo cáo. Ảnh: TP
Chưa bằng lòng
Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Vinh đánh giá từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần bốn lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%... Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo. Do đó chưa thể bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện.
đầu thế kỷ 19 (năm 1820) Việt Nam đã có một vị trí rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Thế nhưng năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn 1/5 mức trung bình thế giới, chỉ hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan và hơn 1/5 thu nhập của Malaysia.
Ông Vinh nói: “Tuy mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng nêu qua con số như vậy để thấy hiện nay yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đối với Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để Hàn Quốc, Nhật Bản… đưa đất nước từ nghèo nàn trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển”.
Nhà nước tham gia quá nhiều vào kinh tế
Báo cáo của WB cho rằng tình trạng Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế mà cụ thể là tham gia vào các hoạt động doanh nghiệp (DN) nhà nước làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, góp phần trầm trọng thêm tình trạng đình trệ trong cải thiện năng suất.
Ở Việt Nam, các DN nhà nước hiện diện ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, kể cả các ngành như may mặc, dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng. Đây là những lĩnh vực mà các DN, tư nhân có thể làm tốt hơn DN nhà nước.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng sự thiếu vắng tầng lớp thương nhân thực sự độc lập với Nhà nước hoặc độc lập với các cơ quan nhà nước là loại phí tổn thứ hai mà sự tham gia quá nhiều của Nhà nước vào hoạt động kinh tế đưa lại.
“Nếu Nhà nước quyết định duy trì nhiều vai trò trong các hoạt động sản xuất thì tối thiểu cũng nên giữ vị thế trung lập khi cạnh tranh với tư nhân” - báo cáo cho hay.
Điều này hàm ý rằng không nên ủng hộ các đặc quyền tiếp cận nguồn lực tài chính, đất đai, các hợp đồng mua sắm của chính quyền, trợ cấp của Nhà nước và những ưu đãi về thuế hiện đang được dành cho các DN nhà nước. Bởi những sự phân biệt đối xử này làm suy giảm khả năng tồn tại và phát triển của các DN tư nhân.
Ngoài những phí tổn gây ra cho nền kinh tế, sự tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế còn làm suy yếu hiệu lực của chính Nhà nước.
Coi DN là trung tâm đổi mới
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, các chuyên gia đưa ra nhận định trong báo cáo rằng Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7%/năm để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương 2011), gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân; thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao hiệu quả khu vực công.
Tuy nhiên, công cuộc cải cách ở Việt Nam sẽ khó khăn, nhất là trong bối cảnh năng suất giảm như hiện nay. “Vậy yếu tố nào sẽ quyết định hướng đi của Việt Nam? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy năng suất lao động là nhân tố cơ bản” - báo cáo chỉ rõ. Từ đó các chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến nghị phải coi DN là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định 10 năm nữa Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng. Cùng với đó, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.
Trong khi đó, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.
Do vậy, người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2035, nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các DN tư nhân trong nước bằng cách củng cố nền tảng kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối DN.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách.
“Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội và cũng không thể vượt qua thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi” - ông Vinh nói.
Năng suất lao động tụt giảm Để đạt được mục tiêu thịnh vượng, con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Về vai trò của năng suất lao động, nhà kinh tế học đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó”. Thế nhưng mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT BÙI QUANG VINH Tiêu điểm Không ngủ quên trên thành công Chủ tịch WB Jim Yong Kim đánh giá tài liệu này là rất quan trọng với Việt Nam và WB. Báo cáo vạch ra con đường để Việt Nam giải quyết những thách thức đang gặp phải, như phải chú trọng tới cơ chế thị trường, chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, sử dụng cam kết quốc tế cho cải cách cơ cấu. “Thực tế cho thấy rằng Việt Nam không ngủ quên trên thành công trong quá khứ của mình và muốn đưa đất nước phát triển hơn nữa thông qua việc thực hiện báo cáo này” - ông Kim nói. |