Theo đó, PVN cho biết ngày 28-1-2016, PVN đã báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về những khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2016.
Nguyên nhân được đưa ra do có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của nhà máy với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam khi thực hiện các hiệp định Thương mại tự do.
Cụ thể, ngày 16-12-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018.
Theo đó, các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, sẽ cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc hiện đang áp dụng là 10% (tương đương 4,84 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1-2016).
PVN cho rằng việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng xăng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như kinh doanh.
Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị vận hành Nhà máy Dung Quất có phương án để giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho sáu tháng cuối năm để ngang bằng với giá mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc.
Theo PVN, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm tới hơn 90% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy nên việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR, sản phẩm của BSR không thể cạnh tranh được.
Do đó, PVN đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với xăng, dầu diesel, xăng nhiên liệu bay (Jet A-1) nhằm đảm bảo cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh với hàng nhập khẩu và giúp BSR ổn định sản xuất.