“Tôi đánh giá đây là nội dung đột phá nhất trong việc sửa đổi Bộ luật hàng hải lần này. Hiện nhiều nước có mô hình tổ chức chính quyền cảng. Như Thái lan có chính quyền cảng từ năm 1981. Hiện ở nước ta việc tổ chức quản lý cảng kém, giá dịch vụ cao, phục vụ kém, hiệu quả thấp… cần phải có đầu mối để thống nhất quản lý lại cho hoạt động của cảng hiệu quả” Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng sẽ xem lại vấn đề dịch thuật để tìm một từ ngữ chỉ rõ khái niệm “chính quyền” biển này để người dân đỡ hiểu nhầm. “Mô hình chính quyền này chỉ thực hiện ở những cảng lớn, quan trọng như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn… “Chính quyền” này không nằm hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, không hoàn toàn quản lý nhà nước mà vừa làm nhiệm vụ quản lý cảng, vừa đầu tư kinh doanh, khai thác cảng”, ông Thăng giải thích.
Ảnh minh họa
Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật phải sửa cách gọi “chính quyền cảng” để hiểu cho đúng bản chất mô hình quản lý cảng này. “Không nên gọi là chính quyền cảng. Không ai gọi là chính quyền hàng không. Đã có chính quyền thì phải có HĐND, lại phải bầu, dân chủ mà…”, Chủ tịch Quốc hội nói
Bộ trưởng Thăng cũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hàng hải là để tạo cơ hội cho ngành này phát triển, nhưng phải đảm bảo 4 yêu cầu: tuân theo tinh thần Hiến pháp 2013; bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc giá; cải cách hành chính; tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển. “Theo Ngân hàng thế giới (WB), giao thông vận tải biển của VN đứng thứ 74/138. Còn Logictic (dịch vụ hậu cần vận chuyển, kho bãi…) năm 2014 xếp thứ 48 trên thế giới, nhưng tại Đông Nam Á chỉ đứng trên ba nước Lào, Campuchia và Myanmar, trong đó Lào không có biển”, Bộ trưởng Thăng lấy dẫn chứng thực tế để chứng minh cần phải có đột phá trong Luật hàng hải. “Đến 2020 dầu khí xếp 1, nhưng từ 2021 kinh tế hàng hải phải xếp thứ 1 và còn nhiều vấn đề phải làm để đạt điều đó”, ông Thăng nhấn mạnh.
Kết luận phiên thảo luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật hàng hải, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Bộ luật này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế thị trường, về những quy định mới của luật hiện hành và chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Bộ luật này phải tạo bộ khung pháp lý, môi trường cho ngành hàng hải phát triển, hội nhập với quốc tế. Đồng thời thúc đẩy , thu hút việc xã hội hoá đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ biển”