Bộ trưởng GTVT: TP.HCM có thể trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam

(PLO)- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận nếu TP.HCM không cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông thì chắc chắn sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 ngày 29-8-2005, Kết luận 27 ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.

Toàn cảnh hội nghị, sáng 9-7. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Toàn cảnh hội nghị, sáng 9-7. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã trình bày các tham luận của ngành để đánh giá và nêu giải pháp đóng góp cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong 30-40 năm qua, vùng Đông Nam Bộ là một động lực phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước chính nhờ hệ thống giao thông ở khu vực này tương đối tốt.

Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ phát triển giao thông của vùng này rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Nhiều năm, tốc độ tăng trường kinh tế của khu vực này ngày càng chậm lại. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống giao thông đang rất quá tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Đặc biệt đề cập đến thực trạng giao thông của TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận TP.HCM là đô thị lớn nhất nhưng tất cả các cửa ngõ của TP đều rất ách tắc, chưa đột phá thành những đường cao tốc kết nối trung tâm TP với các tỉnh, thành.

“Bản thân trong TP đang ùn tắc giao thông nghiêm trọng, chúng ta thiếu các đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất là đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình này không cải thiện được thì chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á” – ông Thể nhìn nhận và cho biết việc cấp thiết nhất của TP là phải quan tâm đến hệ thống giao thông trục chính, giao thông vành đai.

Riêng giao thông liên vùng, ông Thể đánh giá hết sức bất cập. Cụ thể, TP.HCM có hệ thống cảng biển rất tốt nhưng đường kết nối xuống cảng biển không đảm bảo. Ông dẫn chứng cảng Cát Lái là cảng container lớn nhất Đông Nam Bộ nhưng đường xuống cảng luôn tắc nghẽn, nhất là các giờ cao điểm. Cùng với đó, tiềm năng về cảng này rất lớn nhưng khai thác còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết tuyến Vành đai 2 hết sức quan trọng đối với TP.HCM nhưng đến thời điểm này chưa được kết nối đồng bộ. Vành đai 3 được Quốc hội bố trí kinh phí gần 80.000 tỉ đồng để triển khai trong thời gian tới, còn Vành đai 4 cực kỳ quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Hay các đường cao tốc liên vùng kết nối TP.HCM với các địa phương như cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đang ùn tắc, sắp tới cần mở rộng; cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mới đưa vào khai thác nhưng đang quá tải… “Giao thông liên vùng hiện nay, nhất là đường bộ vô cùng bất cập” – ông Thể nhìn nhận.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải liên tục, đường sắt lạc hậu, đường thuỷ nội địa tương đối tốt nhưng nhiều cây cầu thấp nên không vận chuyển được container.

“Rõ ràng thực trạng giao thông của vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.HCM hiện nay đang là vấn đề cấp bách” – ông Thể nói và mong muốn khi ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53 sẽ có những giải pháp tập trung toàn bộ các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông. Nếu không làm được điều này thì đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ chậm dần và có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông cũng thông tin trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tham mưu Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tương đối tốt. Có khoảng 120.000 tỉ đồng từ ngân sách đã được bố trí để triển khai một số dự án lớn. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào một số tuyến cao tốc theo hình thức PPP.

Ông đề nghị TP.HCM cố gắng tập trung để thông tuyến Vành đai 2 trong vài năm tới. Riêng Vành đai 3 sẽ phối kết hợp quyết liệt để đến năm 2025 hoặc 2026 hoàn thành 98 km kết nối các tỉnh trong vùng…

Ngoài ra, một số tuyến cao tốc khác cũng cần ưu tiên như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành - Gia Nghĩa; cao tốc TP.HCM - Long Thành cần mở rộng đúng quy hoạch, nâng cấp cao tốc TP.HCMM – Trung Lương…

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị TP.HCM phối hợp với Bộ để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với 50 triệu hành khách/năm. Bởi hiện nay đường xung quanh cảng, nhà ga chưa thông suốt. Còn sân bay Long Thành, dự kiến đến năm 2025 sẽ khai thác giai đoạn 1 với 25 triệu khách/năm…

Cần chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị này được triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Theo Thủ tướng, Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đối với nước ta và khu vực.

Trong đó, có diện tích trên 30,5 ngàn km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Thủ tướng cho biết việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 53 và Kết luận 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Đây cũng là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Ông đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của Vùng và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng…

Từ đó, đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá và các kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm